Thi trắc nghiệm mỗi thí sinh một đề, Bộ GD & ĐT cần đảm bảo độ khó - dễ tương đồng giữa các đề thi. Ảnh: Như Ý.
Cần ngân hàng đề khổng lồ
Nguyễn Văn Hưng, học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ: Lần đầu thi trắc nghiệm nhiều môn nên em rất lo lắng. Trong đó, Hưng băn khoăn lớn nhất là bộ câu hỏi giữa các đề khác nhau, độ khó dễ khác nhau sẽ dẫn đến không công bằng. “Bởi điểm thi THPT quốc gia còn dùng để xét tuyển ĐH nên chỉ chênh nhau 0,25 là thí sinh đã thiệt rồi”, Hưng nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này ở trường THPT về cơ bản thầy trò tự ra đề dựa theo cấu trúc đề minh họa của bộ để học sinh ôn luyện. Theo thầy Lâm, kỳ thi THPT quốc gia có lượng lớn thí sinh tham dự, đòi hỏi phải có ngân hàng đề khổng lồ mới đáp ứng được kỳ thi. Người làm đề không chỉ có chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm.
Ngoài ra còn phải sử dụng công nghệ làm đề mới phân loại được các dạng câu hỏi có mức độ khó dễ tương đồng nhau. “Nguyên lý là vậy nhưng làm được hay không còn phải trông đợi vào đội ngũ làm đề”, ông Lâm nói.
Trong khi đó, cô Đoàn Thị Kim Oanh, giáo viên Toán Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho rằng, thông thường khi ra một đề trắc nghiệm, phải căn cứ vào các yếu tố: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi đó, sẽ có bao nhiêu phần trăm câu hỏi dành cho mức độ thông hiểu, bao nhiêu phần trăm dành cho mức độ nhận biết…để sắp xếp vào đề. “Điều lo lắng là với lượng đề rất lớn, lại có tới 80% câu hỏi khác nhau thì sẽ khó để xác định được độ tương đồng của đề”, cô Oanh nói.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cũng cho biết, hiện thầy trò trường đang rất lúng túng trong việc ra đề, làm đề trắc nghiệm. Giáo viên chưa có kinh nghiệm nên không phải ra đề nào cũng chuẩn hóa được cấu trúc, mức độ khó dễ. Theo ông Cương, cái khó của thi trắc nghiệm là đề phải chuẩn hóa và phải có thời gian nhất định để làm, thẩm định đề.
Trong khi, từ lúc Bộ giáo dục quyết định phương án thi, có đề minh họa đến kỳ thi THPT chỉ vỏn vẹn 9 tháng, do đó điều ông lo ngại là đề thi không đảm bảo độ khó dễ giữa các đề. Ngoài ra, ông Cương bày tỏ sự lo ngại, kỳ thi THPT năm nay nhiều thí sinh sẽ phải bỏ dở bài thi vì chưa hình thành kịp kỹ năng làm đề trắc nghiệm.
Thi trắc nghiệm mỗi thí sinh một đề, Bộ GD & ĐT cần đảm bảo độ khó - dễ tương đồng giữa các đề thi.
Cần thử nghiệm trước khi áp dụng
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có hàng rào kỹ thuật đảm bảo sự công bằng, khách quan cho thí sinh. Mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, đảm bảo tới 80% câu hỏi khác nhau. Về ngân hàng đề, lãnh đạo Bộ Giáo dục cũng cho biết, sẽ lấy một phần từ ngân hàng đề của ĐHQG Hà Nội, nơi đã có nhiều năm tiến hành thi tuyển theo phương thức trắc nghiệm. Ngoài ra, Bộ sẽ thành lập đội ngũ chuyên gia làm đề bổ sung đảm bảo có ngân hàng để đủ lớn phục vụ kỳ thi.
Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐHQG Hà Nội) cho biết, đơn vị này không phải chịu trách nhiệm chính về làm đề thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm đề thi trắc nghiệm, ông cho rằng thí sinh và giáo viên hoàn toàn yên tâm vì đội ngũ làm đề phải qua nhiều bước kiểm định như các chuyên gia thẩm định, đánh giá cũng như dựa vào phương pháp lý thuyết khảo thí hiện đại. Trong đó, có bước quan trọng là sau khi làm đề, đề được thử nghiệm trên nhiều học sinh lớp 12. Nhiều năm tổ chức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh vào phòng đều có một mã đề riêng hoàn toàn khác nhau đã được chuẩn hóa nên không có bất kỳ sự thắc mắc nào của thí sinh cũng như giáo viên.
PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cũng khẳng định, làm đề trắc nghiệm hiện đã ứng dụng khoa học đo lường giáo dục hiện đại nên sẽ có đảm bảo 100% về sự tương đồng, độ khó-dễ giữa các đề trắc nghiệm với nhau. Trên thế giới, nhiều nước đã ứng dụng công nghệ này để làm đề trắc nghiệm. Kể cả các trung tâm Anh ngữ lớn cũng ứng dụng công nghệ làm đề để chuẩn hóa các bộ đề. Công nghệ này dùng công cụ Toán học để có sự phân tích, đánh giá, thống kê.
Theo bà Nga, trước hết, Bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi chung, sau đó sẽ có ma trận đề thi của từng môn riêng. Lực lượng làm đề cũng được tuyển chọn kỹ càng và chia làm hai thành phần gồm nhóm ra các câu hỏi, đưa câu hỏi đi thử nghiệm và nhóm phân tích đề. Nhóm ra câu hỏi sẽ gồm những giáo viên, giảng viên có trình độ, chuyên môn, nhóm phân tích, phân loại đề gồm những người được đào tạo bài bản về khoa học đo lường giáo dục.
Bà Nga cho rằng, điều quan trọng là sau khi hoàn thiện đề phải có sự thử nghiệm trên học sinh lớp 12 và sinh viên. Phương pháp này nhằm đánh giá được độ khó dễ cũng như khả năng làm bài của học sinh. Tuy nhiên, việc thử nghiệm này phải được tiến hành bí mật.
“Điều lo lắng là với lượng đề rất lớn, lại có tới 80% câu hỏi khác nhau thì sẽ khó để xác định được độ tương đồng của đề”. Cô Đoàn Thị Kim Oanh, giáo viên Toán trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) |
Tác giả bài viết: Nguyễn Hà
Nguồn tin: