Với nhu cầu sử dụng cao trong khi nguồn pin có hạn, người dùng smartphone thường có xu hướng tìm mua sạc dự phòng – thiết bị lưu trữ năng lượng, có thể nạp điện cho thiết bị di động.
Trên thị trường hiện tại xuất hiện rất nhiều loại sạc dự phòng, từ các thương hiệu uy tín đến những thương hiệu vô danh hoặc hàng nhái thương hiệu uy tín, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Nếu sạc dự phòng hàng "xịn" được bán trong các siêu thị di động, cửa hàng… với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thì những mẫu giá rẻ, hàng nhái dễ tìm tại các quầy hàng phụ kiện nhỏ lẻ…
Sạc dự phòng giả được bán với giá chỉ 99.000 đồng cho dung lượng 20.000 mAh.
Trên các trục đường chính tại TP HCM như Cộng Hòa (quận Tân Bình), Điện Biên Phủ (Bình Thạnh)… rất nhiều cửa hàng bán sạc dự phòng với giá chỉ từ 55.000 đồng với dung lượng từ 2.000 mAh – 2.800 mAh. Những mẫu dung lượng cao 30.000 mAh cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, phổ biến nhất là 10.000 mAh - 10.200 mAh giá từ 90.000 đến 160.000 đồng. Phần lớn đều mang thương hiệu Samsung, Xiaomi, Sony, Yoobao, Romoss…, nhưng được bày bán trên các tấm bạt trải trên vỉa hè, hoặc các quầy phụ kiện di động, cửa hàng di động nhỏ.
Người bán quảng cáo là sạc an toàn, nhưng chỉ chấp nhận bảo hành khoảng một tháng và giấy bảo hành được viết trên một tờ giấy nhỏ, phiếu bảo hành sơ sài hoặc chỉ dán tem. Thậm chí có nơi còn không bảo hành.
Hàng nhái như trên còn xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, hội nhóm Facebook… với giá chỉ từ 80.000 đến 300.000 đồng tùy dung lượng. So với mọi năm, sạc dự phòng hiện tại có nhiều mẫu mã bắt mắt hơn như hình Doraemon, Pokeball, các nhân vật hoạt hình…, hoặc tích hợp các tính năng như sạc nhanh, tự nạp điện bằng năng lượng mặt trời, sạc kiêm ốp lưng bảo vệ, sạc kiêm bộ phát Wi-Fi… nhằm thu hút người mua.
Chị Nguyễn Tuyết (quận 5, TP HCM) từng mua một pin sạc dự phòng hiệu Proda từ một cửa hàng bán điện thoại và phụ kiện gần nhà. Tuy nhiên, mới dùng hơn một tháng, cục sạc này đã hỏng, không thể nạp điện vào điện thoại.
Anh Nguyễn Hùng (quận 7) cũng mua một cục sạc dự phòng gắn mác Samsung, dung lượng 20.000 mAh, ở một quầy hàng vỉa hè với giá 160.000 đồng. Dù nạp đầy, nhưng anh chỉ sạc được khoảng 3 lần cho chiếc Galaxy A5 (2015), dù chiếc máy này có nguồn pin 2.300 mAh. Dùng một thời gian anh còn thấy điện thoại của mình xuống pin nhanh hơn.
Trường hợp của anh Đức Dũng (quận Bình Thạnh) còn nặng hơn, khi chiếc Sony Xperia Z3 mà anh sạc qua cục sạc dự phòng gặp vấn đề về màn hình. "Điện thoại của tôi bỗng dưng thao tác khó khăn, cảm ứng gặp trục trặc, hễ chọn ứng dụng này thì nó ra ứng dụng khác, đôi khi xuất hiện những đường màu lạ. Tình trạng này xảy ra từ sau khi dùng sạc dự phòng Xiaomi 10.200 mAh mua trên ở đường Điện Biên Phủ cách đây 2 tháng". Sau khi mang lên trung tâm bảo hành của Sony, kỹ thuật viên cho biết máy bị loạn cảm ứng, và nguyên nhân không loại trừ là từ sạc dự phòng.
Thực tế, có rất nhiều vụ việc sử dụng sạc dự phòng chất lượng kém gây ảnh hưởng tới thiết bị. Thậm chí, nhiều trường hợp sạc còn tự bốc khói, tự phát nổ hoặc khiến điện thoại phát nổ.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc một công ty về lĩnh vực pin dự phòng có chi nhánh tại Việt Nam, những mẫu pin dự phòng không rõ nguồn gốc đang bán tràn lan chủ yếu có xuất xứ tại Trung Quốc. Chúng được sản xuất đại trà với số lượng rất lớn, nhưng không hề qua một bước kiểm định chất lượng nào.
"Hầu hết lõi pin, bảng mạch, dòng điện nạp và xả đều không đạt chuẩn, từ đó khiến thiết bị được nạp điện dễ hỏng hơn. Nguyên nhân là do dòng điện đi vào không đều, cường độ dòng diện vượt mức cho phép. Nếu nhẹ thì ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin, nặng hơn thì ảnh hưởng đến toàn hệ thống máy, thậm chí gây cháy nổ", ông Tuấn chia sẻ.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng, người dùng không nên mua những mẫu sạc có dung lượng cao giá rẻ, ví dụ như 10.000 mAh nhưng giá bán chưa tới 200.000 đồng. "Những mẫu sạc này, hoặc bị khai khống dung lượng, dùng lõi pin không đảm bảo chất lượng hoặc cả hai", ông nói.
Theo ông, người dùng nên lựa chọn sạc dự phòng có thương hiệu và nhà phân phối uy tín, nên xem kỹ tem bảo hành, tem xuất xứ… và chế độ bảo hành lâu dài. Bên cạnh đó, cần trang bị các kiến thức về mẫu sạc nào đó trước khi mua. Ví dụ, Samsung chỉ bán mẫu có dung lượng 5.200 mAh và 10.200 mAh tại Việt Nam, còn các mẫu dung lượng khác như 20.000 mAh, 30.000 mAh đều có thể là hàng giả.
Tác giả bài viết: Bảo Lâm