Xã hội

Mộ gió, bí ẩn nơi chứa những linh hồn lênh đênh trên biển

Theo quan niệm của người dân vùng biển, những người tử nạn không tìm thấy xác thì linh hồn của họ cứ mãi lênh đênh trên biển không thể trở về đoàn tụ với gia đình thì sẽ được lập ngôi mộ gió.

Hồn người chết vang vọng biển khơi

Cứ vài tháng chị Trần Thị Đào, trú thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại lặng lẽ ra thắp hương cho chồng. Trước đây chị hay dẫn con đi, nhưng giờ đây các con đã khôn lớn có công việc riêng nên chị đi một mình hoặc thỉnh thoảng dẫn các cháu cùng ra cho biết mộ ông.

Thế nhưng điều đau đớn, day dứt mãi trong lòng chị cho đến hôm nay, khiến lần nào ra chị cũng gục khóc trên mộ, là vì trong mộ không có tro cốt thi thể anh, đây chỉ là một ngôi mộ gió.

Chị Đào vẫn nhớ như in ngày định mệnh đấy cách đây 4 năm, chồng chị cùng 8 người địa phương ra khơi đánh bắt cá. Đó là lần cuối cùng chị nhìn mặt chồng, đó là lần cuối chồng chị mỉm cười hứa hẹn sẽ mang sản vật biển khơi về cùng chị xây dựng gia đình, thế nhưng lời hứa đó không bao giờ được thực hiện nữa.

124 1459819675
Những ngôi mộ gió không có hài cốt được lập lên với mong ước linh hồn tìm được hướng trở về với gia đình

Chị chờ đợi trong hi vọng trong 10 ngày, rồi nhận hung tin chồng chị bị tai nạn tử vong trên biển, mọi người đã cố gắng tìm kiếm nhưng không vớt được thi thể của anh để đưa về cho chị.

Chị không thể nhớ mình khóc bao nhiêu lần, gọi tên anh bao nhiêu lâu, phải chống chọi thế nào trong những ngày tháng vắng bóng anh. Đêm đêm chị ra biển gọi tên chồng, hi vọng mong manh ai đó sẽ mang anh về, nhưng điều đó đã không được đáp lại.

Ngôi mộ gió chị lập lên mà không có tro cốt của chồng, nhưng vẫn hướng ra biển cả để có nơi cho linh hồn anh không lạc lối, tìm về với gia đình, với quê hương. Vì theo quan niệm của người dân, những người tử nạn không tìm thấy xác thì linh hồn của họ cứ mãi lênh đênh trên biển không thể trở về đoàn tụ với gia đình, tổ tiên.

Ở một số nơi, người dân gọi những ngôi mộ này là: Mộ chiêu hồn. Bởi lẽ, mỗi năm biển cả lại lấy đi vô vàn sinh linh, thế nhưng biển cả bao la, linh hồn lang thang không thể tìm được đường về. Vì thế, ngôi mộ này được lập ra để gọi hồn người chết trở về với gia đình, người thân.

Trên những nấm mồ nhỏ, có chiếc gáo dừa và cành dâu tượng trưng hình hài con người, rồi sau đó chủ tế lập đàn cúng rước linh hồn phiêu dạt trên biển về với đất liền.

Lý giải về việc sử dụng cành dâu trong tục an táng những người mất tích, bà con nơi đây cho rằng, con tằm nhờ ăn lá dâu nhả tơ rồi đổi hình dạng mà hồi sinh, đổi kiếp. Vì vậy, người dân biển thường làm hình nhân bằng thân dâu cũng mang khát vọng về sự trở về hay chuyển kiếp của con người.

Giăng buồm ra khơi ra biển cả

Mặc dù biển cả khắc nghiệt là vậy nhưng người dân miền Trung vẫn phải giăng buồm ra khởi để kiếm sống. Người này gục xuống thì thế hệ sau vẫn tiếp bước cầm mái chèo, cầm lưới đi ra biển đánh bắt cá, đã là nghiệp mưu sinh thì đời đời không thể nào dứt.

Ông Trần Quang Vệ, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết: “Những ngôi mộ gió trên địa phương theo năm thì càng lúc càng nhiều. Đây là nỗi đau cho các gia đình có con em đánh bắt xa bờ, mặc dù không nói ra nhưng mộ mà không có thi thể thì đau đớn biết chừng nào. Tuy nhiên, những người dân chài vẫn phải ra biển đánh cá thôi”.

122 1459819781
Các thuyền cá tiếp tục rẽ sóng ra biển đánh cá.

Ông Vệ cho biết thêm, đã ra biển thì sẽ phải chấp nhận bao nguy hiểm rình rập, rủi ro không chỉ xảy ra với những thuyền nhỏ mà ngay cả các thuyền lớn. Thậm chí khi biển cả nổi giận thì không có gì có thể ngăn cản được cơn thịnh nộ đó. Con người thì nhỏ bé, ra biển chỉ vì miếng cơm manh áo, bỏ mạng giữa biển khơi là điều không tránh khỏi.

Bà Trần Thị Xướng (60 tuổi), trú thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) là một người mẹ từng có con chết trên biển cả. Hiểu nỗi đau đớn biển mang lại, thế nhưng khi con cháu tiếp tục ra khơi, bà không ngăn cấm, thậm chí còn tự hào.

“Ngư dân chúng tôi thì phải bám lấy biển, đó là điều tất yếu. Chết trên biển là điều không ai muốn, nhưng đó là cái chết vinh quang. Đàn ông lao động vì gia đình, vì người thân, khi chết đi sẽ được mọi người nhớ”, bà Xướng nói.

123 1459819826
Ngư dân Vũ Nguyên Chung (SN 1972, Nghệ An) từng may mắn thoát chết khi bị sóng đánh tan thuyền nhưng vẫn muốn ra biển.

Những ngư dân nơi đây tầm khoảng 14 – 15 tuổi đã bám lấy cha ra biển, dường như đó là bản năng trường tồn trong máu thịt của những người dân vùng biển. Ra với biển khơi một phần để đánh bắt cá, một phần để thể hiện ý chí chinh phục thiên nhiên, thể hiện khát vọng sống của những người đàn ông.

Trong hành trình gian truân đó, nhiều người không may mắn đã ngã xuống và không thể tìm thấy thi thể. Vì thế, những ngôi mộ gió là để tưởng nhớ đến họ, là để cho các linh hồn biết nơi quay về. Ra khơi vẫn phải ra khơi, chỉ mong đừng nhiều mộ gió được xây lên.

Tác giả bài viết: Anh Ngọc – Văn Tấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP