Giáo dục

Mâu thuẫn giữa giáo viên và nhà trường ở TPHCM: Vì đâu nên nỗi?

Phản đối quyết định kỷ luật với mình, nữ giáo viên Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã uống thuốc ngủ với ý định tự tử ngay tại cuộc họp. Từ vụ việc trên, các chuyên gia cho rằng, cần xem lại

Cô V.T.N.H. tại thời điểm ở Bệnh viện Quận 7. Ảnh: Internet

Phản đối quyết định kỷ luật với mình, nữ giáo viên Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã uống thuốc ngủ với ý định tự tử ngay tại cuộc họp. Từ vụ việc trên, các chuyên gia cho rằng, cần xem lại cách quản lý và văn hóa ứng xử của hai bên.

Cùng rút kinh nghiệm

Theo phản ánh của báo chí, ngày 11/11, cô giáo V.T.N.H bị Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) kỷ luật cảnh cáo với lý do: Không thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng phân công; vắng mặt không phép từ 18/ đến 29/10. Chiều 2/12, nhà trường triệu tập cuộc họp viên chức để kiểm điểm nữ giáo viên trên, với 3 sai phạm được nêu trong cuộc họp gồm: Tự ý bỏ nhiệm sở; gây rối trật tự công cộng; có vi phạm liên quan đến cơ quan điều tra.

Theo phản ánh của cô V.T.N.H, cô không được mời dự cuộc họp này, nhưng nhờ đồng nghiệp cung cấp lịch nên cô đến trường tham dự. Quá uất ức do bị dồn nén nên cuối cuộc họp, giáo viên này uống nắm thuốc được chuẩn bị trước đó với ý định tự tử?

Liên quan đến sự việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm: Chúng ta không bênh giáo viên hay hiệu trưởng, mà dựa trên cái đúng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bên để lên tiếng bảo vệ.

“Cần xem hiệu trưởng đã làm đúng Luật Viên chức chưa? Và vấn đề dân chủ trường học, đối thoại với giáo viên đã thực hiện như thế nào. Sau sự việc này, hiệu trưởng và giáo viên phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” – TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề, đồng thời cho biết đã có ý kiến với Công đoàn Giáo dục Việt Nam để xem xét, lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng các bên liên quan.

Theo Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khi xảy ra xung đột phải có “trọng tài” phân định. Qua sự việc này cho thấy, tiếng nói của công đoàn nhà trường yếu ớt, không lên tiếng bảo vệ đoàn viên của mình (dù là hiệu trưởng hay giáo viên). Nếu họ sai thì chỉ rõ và giúp đỡ để họ thay đổi.

Vỉ thuốc rơi tại hiện trường được xác định là loại thuốc Stilux 60, sau đó được niêm phong lại. Ảnh: Internet

Tăng cường đối thoại, dân chủ

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cũng thật đáng trách giáo viên này đã không giữ được bình tĩnh nên có phản ứng tiêu cực. Giả sử không kịp thời cấp cứu thì hậu quả khôn lường. “Bất cứ việc gì cũng có hướng giải quyết, không nên phản ứng cực đoan như nữ giáo viên Trường THCS Hoàng Quốc Việt” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cần xem xét lại cách giải quyết của nhà trường để dẫn đến giáo viên có phản ứng cực đoan. Thực tế, có những hiệu trưởng thường giải quyết vấn đề theo lối áp đặt, chưa thực sự giúp đỡ người mắc khuyết điểm nhận thức được vấn đề và sửa chữa. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên lạm dụng dân chủ mà đi quá giới hạn. Suy cho cùng là văn hóa ứng xử trong nhà trường, rộng hơn là văn hóa học đường ở đơn vị đó cần phải được củng cố, xây dựng lại.

Nhà giáo lão thành Đ.Q.B (Hà Nội) - nhận xét: Sự việc của cô giáo ở Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Quận 7, TP Hồ Chí Minh), để kết luận đúng sai, phải xem xét nhiều khía cạnh khác nhau. “Tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng trường học hạnh phúc và văn hóa học đường” - nhà giáo Đ.Q.B bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện dân chủ nhưng không quá trớn và bát nháo. Tuy nhiên, người quản lý, ban giám hiệu phải hết sức tôn trọng giáo viên và cần hiểu nỗi khổ của giáo viên.

Theo nhà giáo Đ.Q.B, giáo viên khác với bác sĩ, hay mậu dịch viên. Giáo viên chịu nhiều áp lực bởi ngôn giáo và thân giáo. Tức là, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách ăn mặc, hình ảnh, vị thế của mình trong xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng căn dặn, xây dựng nhà trường phải: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy và học ra học. Để làm được điều này, mỗi nhà trường phải có tính nhân văn.

Cho rằng, qua sự việc này, các trường nên lấy đó là bài học kinh nghiệm để hạn chế những xung đột, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ - nhấn mạnh: Trên hết, các trường cần tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; tránh để lâu ngày dễ phát sinh thành mâu thuẫn, khi đó sẽ khó tháo gỡ, thậm chí gây hậu quả khôn lường và cuối cùng các bên đều bị tổn thương, tình đồng chí, đồng nghiệp cũng vỡ vụn, khó hàn gắn lại.

“Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, xây dựng và phát triển văn hóa học đường cần được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực. Qua đó, góp phần xây dựng nhà trường thành trường học hạnh phúc, thành công và hiệu quả”. - Nhà giáo Đ.Q.B

Tác giả: Minh Phong

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP