Củ khoai khổng lồ “nổi tiếng” được nhiều người đến chiêm ngưỡng
Ông Bắc vẫn còn nhớ như in cảm giác bất ngờ khi đào khoai. Ông kể: “Cứ nghĩ củ khoai vạc rồng ấy bình thường nên lúc đầu tôi dùng cuốc, xẻng đào mạnh xuống đất. Tuy nhiên, càng cuốc, tôi càng thấy củ khoai to lạ thường, có nhiều nhánh như bàn tay. Hoảng quá, tôi vội chạy đi kêu thêm 3 người khác cùng đến phụ giúp. Càng đào sâu xuống đất, chúng tôi sững người khi thấy một hình hài lạ xuất hiện. Sau 2 tiếng đồng hồ đào, 4 người chúng tôi mới vần củ khoai ấy lên mặt đất bằng sợi dây sừng”.
Cây khoai vạc rồng được trồng chưa đầy 2 năm nhưng có cân nặng 75kg. Để đưa được củ khoai này lên mặt đất, gia chủ phải huy động 4 người, đào liên tục trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
Không lâu sau, thông tin về củ khoai khổng lồ có hình dáng giống đầu rồng nằm trong khuôn viên nhà thờ của một dòng họ nổi tiếng khiến người dân từ khắp nơi lũ lượt kéo đến để được tận mắt chiêm ngưỡng. Nhiều người còn tin rằng, củ khoai vạc rồng ấy chính là lộc, điềm báo một năm mới tốt lành cho gia tộc, làng quê.
4 người mới “khênh” được củ khoai
Mấy ngày nay, căn nhà cổ nằm trên địa phận xóm 9, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có rất đông người từ khắp nơi kéo đến bất chấp trời mưa rét. Ai cũng háo hức được tận mắt xem củ khoai vạc rồng khổng lồ.
Cụ Niên 86 tuổi hồ hởi chia sẻ: “Từ lúc trẻ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy củ khoai vạc rồng có hình dáng kỳ lạ, to đến như vậy. Không hiểu do đất hay bị đột biến thế nào mà nó lại to bất thường rứa”.
Theo lời chia sẻ của cụ bà này, khoai vạc rồng hay còn gọi là vạc tay tiên (vì có nhiều nhánh như ngón tay - PV) được trồng vào dịp đầu xuân và sẽ cho thu hoạch vào cuối năm. Bình thường, củ khoai này chỉ nặng chừng vài cân. Đây là lần đầu tiên, trên làng quê này có củ khoai vạc rồng to bất thường như vậy.
Cũng vì chuyện lạ này mà suốt hơn một tuần qua, ông Nguyễn Như Bắc (53 tuổi) mất ăn, mất ngủ vì tiếp khách. Vừa pha nước chè cho bà con từ khắp nơi tìm đến, ông Bắc cho biết, căn nhà này không phải của gia đình mình, mà của ông bà nội.
Tuy nhiên, do là tộc trưởng của dòng họ nên sau khi ông bà mất, ông Bắc đảm nhiệm công việc lo hương khói trong nhà thờ. Hàng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, ông lại tạt qua quét dọn sân vườn, thắp nén hương trên bàn thờ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi đào được củ khoai vạc rồng khổng lồ, người đàn ông từng làm chỉ huy phó huyện đội Thanh Chương tâm sự, cách đây hơn một tuần, trong quá trình cuốc cỏ, dọn dẹp lại vườn tược để chào đón năm mới, ông bỗng thấy một phần củ khoai nhô lên khỏi mặt đất.
“Thấy lạ, tôi bơi nhẹ phần đất phía trên thì thấy có màu hồng như nhung hươu. Nghĩ rằng, củ khoai này đã to, đến thời điểm thu hoạch, lúc về nhà, tôi đã nói đùa với vợ rằng củ khoai vạc rồng trong vườn ông bà cũng nặng chừng 20kg, mai mốt lên đào về ăn. Nghe vậy, vợ tôi cười phá lên, cho rằng tôi nói khoác, vì không đời nào có củ khoai to như vậy. Ít ngày sau, tôi quyết định lên đào củ khoai đó”, ông Bắc kể chuyện.
Cho đến hôm nay, ông Bắc vẫn còn nhớ như in cảm giác bất ngờ khi đào khoai. Ông kể: “Cứ nghĩ củ khoai vạc rồng ấy bình thường nên lúc đầu tôi dùng cuốc, xẻng đào mạnh xuống đất. Tuy nhiên, càng cuốc, tôi càng thấy củ khoai to lạ thường, có nhiều nhánh như bàn tay.
Ông Bắc cho biết 4 người hợp sức mới vần được củ khoai lên mặt đất.
Hoảng quá, tôi vội chạy đi kêu thêm 3 người khác cùng đến phụ giúp. Càng đào sâu xuống đất, chúng tôi sững người khi thấy một hình hài lạ xuất hiện. Sau 2 tiếng đồng hồ đào, 4 người chúng tôi mới vần củ khoai ấy lên mặt đất bằng sợi dây sừng”. Chứng kiến củ khoai to, nhìn giống đầu rồng, ai nấy đều vui mừng, phấn chấn, kèm theo đó chút hoang mang.
Không lâu sau, thông tin ông Bắc vừa đào được củ khoai rồng to chưa từng có khiến người dân trong vùng bàn tán xôn xao. Hàng trăm lượt người đã kéo đến, chụp ảnh, sờ vào củ khoai khổng lồ với mong muốn lấy may mắn.
Ông Bắc cho biết, củ khoai này nặng 75 kg, nhưng trong quá trình đào lên, bị gãy mất hai nhánh nên trọng lượng chỉ còn 73 kg. Dù vậy, đây vẫn được cho là củ khoai vạc rồng to mà từ trước đến nay người dân xã Thanh Văn và các vùng lân cận chưa từng thấy.
Việc củ khoai vạc to bất thường khiến nhiều người đồn đoán nguyên nhân. Người thì bảo có thể củ khoai được chăm sóc tốt, bón nhiều phân, người lại nghi củ khoai trên bị đột biến. Ông Bắc cũng không lý giải được hiện tượng trên.
Người đàn ông này cho biết, củ khoai vạc rồng ấy được ông trồng vào tháng 3/2015. Giống cây được ông xin một người bạn ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương. Trong quá trình chăm sóc, ông chỉ duy nhất một phần bón phân, không hề bỏ chất kích thích gì xuống lòng đất.
Giáp Tết năm 2016, gia đình ông có ý định sẽ đào lên, lấy củ nấu bát chè để cúng ông bà tổ tiên trong ngày đầu năm mới theo phong tục địa phương. Tuy nhiên, vì đã có đủ nguyên liệu nên ông không đào củ khoai vạc rồng này lên nữa. Cho đến gần tết năm Đinh dậu 2017 này, vợ chồng ông Bắc mới quyết định đào thì bất ngờ khi chứng kiến củ khoai to, có đầu hình giống con rồng.
“Lộc” khoai mỗi người một ít
Theo các cao niên trong làng, từ bao đời nay, trong mỗi gia đình ở xã Thanh Văn đều trồng một vài gốc cây khoai vạc rồng. Thời điểm trồng vào khoảng tháng 3, đến cuối năm, giáp tết thì thu hoạch. Sau khi gọt vỏ, khoai có màu trắng pha tím, ăn có vị thơm ngon đặc trưng. Có thể luộc ăn riêng, luộc chung với các loại khoai, củ khác, hoặc nấu chè, đồ xôi tạo nên màu sắc bắt mắt. Riêng người dân nơi đây thường dùng khoai vạc rồng nấu bát chè để cúng ông bà tổ tiên vào ngày đầu năm mới.
“Đó là tập tục có từ xa xưa. Dâng bát chè khoai vạc cho các bậc tiên tổ thể hiện lòng thành. Vị ngọt, thơm của khoai với mong muốn cầu mong cho một năm mới với nhiều điều tốt đẹp, may mắn, ấm no”, ông Bắc giải thích.
Cũng vì lý do đó, dù được nhiều người tìm đến trả giá với số tiền lớn, thậm chí có người còn đưa ra chục triệu đồng, nhưng gia đình ông Bắc nhất quyết không bán. Ông cho hay sẽ trưng bày trong nhà một thời gian để mọi người được chiêm ngắm. Đến ngày giáp tết, gia đình sẽ phân phát cho mỗi hộ một ít để nấu bát chè dâng lên ông bà tổ tiên.
“Chúng tôi coi đó như cái lộc của gia đình, nên quyết định phân phát, chia cho mọi người, chứ nhất quyết không bán đi. Quan điểm của tôi được vợ con và người thân hoàn toàn đồng ý”, lời ông Bắc.
Củ khoai vạc rồng nặng 75kg
Việc cây khoai vạc rồng khổng lồ sinh sống trong khu vườn dòng tộc Nguyễn Như nổi tiếng khiến một số người lại đồn đoán liên quan đến vấn đề tâm linh. Được biết, cách đó không xa là nhà thờ của dòng họ có tiếng hiếu học. Rất nhiều người theo khoa bảng thành danh, là giáo sư tài giỏi đều xuất phát từ dòng họ Nguyễn Như này. Gần đó còn có nhà Thánh.
Theo ông Bắc, trước kia đây là nơi được các cụ dựng lên để đàm đạo, thơ ca. Di tích này sẽ được công nhận là Di tích cấp tỉnh trong năm nay.
“Kết nối các sự kiện lại với nhau, nhiều người suy luận, củ khoai vạc rồng đó là điềm báo cho một năm mới cho dòng họ tôi. Bản thân tôi không phải là người mê tín, tôi chỉ quan niệm, mình có được củ khoai to, hiếm gặp, coi như lộc cuối năm. Tôi sẽ chia cho mọi người. Ai lấy làm giống hoặc đem về ăn đều được”, ông Bắc nói. Quan điểm của ông được vợ là bà Nguyễn Thị Trúc (50 tuổi) hoàn toàn đồng ý.
Trao đổi về vấn đề đang gây xôn xao dư luận này, ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương cho hay: “Tôi có nghe một số người dân bàn tán về củ khoai vạc rồng nặng 75 kg của gia đình ông Bắc. Việc củ khoai to khổng lồ như vậy là điều hiếm gặp.
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ đó có thể do củ khoai đó bị đột biến, chứ không liên quan đến chuyện tâm linh. Ông Thùy cũng cho biết thêm, dòng họ ông Nguyễn Như là dòng họ đặc biệt của làng. Đây là dòng họ có nhiều giáo sư, tiến sỹ khắp cả nước, đã được phong tặng là dòng họ khoa bảng của xã Thanh Văn. Dòng họ này đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh”.
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: