Kinh tế

Masan huy động xong 10.000 tỷ đồng vốn trái phiếu, Vinhomes muốn thầu dự án tỷ đô ở Hà Tĩnh

Hoạt động đầu tư và huy động vốn sôi động với sự góp mặt của nhiều ông lớn.

Nóng chuyện nhân sự mùa Đại hội: Cổ đông lớn muốn HĐQT Coteccons từ chức

Câu chuyện tại CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD, sàn HoSE) nóng lên trong tuần qua khi Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) - cổ đông lớn nắm giữ 17,55% đã quyết định tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường với nội dung quan trọng nhất là vấn đề nhân sự. Những bất đồng nội bộ của tổ chức này đã kéo dài vài năm gần đây.

Cổ đông lớn Kustocem yêu cầu thực hiện biểu quyết về việc thay đổi HĐQT hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và nhóm công ty “Coteccons Group” từ thời điểm năm 2017.

Bởi theo Kusto, HĐQT và Ban giám đốc hiện tại chưa vì lợi ích tốt nhất của Coteccons. Trong thông cáo báo chí đưa ra, Kusto còn dứt khoát yêu cầu HĐQT và Ban giám đốc của Coteccons từ chức. HĐQT của Coteccons sau đó cũng đã có những phản ứng khá gay gắt khẳng định doanh nghiệp được kiểm toán bởi những công ty lớn nằm trong nhóm Big 4 cũng như HĐQT được vận hành minh bạch, đảm bảo luôn giám sát chặt chẽ.

Doanh nghiệp vẫn rầm rộ kế hoạch đầu tư khủng

Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) là một trong hai doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ đấu thầu thực hiện dự án Khu đô thị Hàm Nghi tại TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà với quy mô 136,8 ha; tổng mức đầu tư gần 23.546 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD).

Dự án được kỳ vọng là khu đô thị kiểu mẫu tại Hà Tĩnh sẽ đấu thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ hoàn tất vào quý III/2020.

Tại Hà Tĩnh, Vinhomes cùng công ty mẹ Tập đoàn Vingroup đã đầu tư một số dự án như: dự án Vinhomes New Center, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, Khách sạn Vinpearl City Hotel Hà Tĩnh, Vinpearl Ocean Villa, Công viên nước Vinpearl Land Cửa Sót,... Quy mô vốn điều lệ của Vinhomes hiện là 33.495 tỷ đồng.

Đối thủ của Vinhomes là Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển thương mại Việt An (trụ sở tại 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Việt An cũng là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn (4.026 tỷ đồng) do 3 cổ đông cá nhân góp vốn là Nguyễn Thuỷ Hà, Bùi Hồng Minh và Trần Kim Quyên.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) trong tuần qua cũng chính thức công bố hai dự án nhà máy mới với tổng mức đầu tư sau thuế là 32.481 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD). Công trình Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW đến 880 MW sẽ lần đầu tiên được trình xin ý kiến các cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tổ chức ngày 12/6 tới đây.

PV Power cho biết, nguồn vốn đầu tư gồm vốn chủ sở hữu 25%, vay thương mại trong nước và nước ngoài 75%. Trong đó vốn chủ sở hữu sẽ do PV Power góp 100% thông qua nguồn cân đối từ các quỹ, lợi nhuận để lại, thoái vốn từ các công ty hay phát cổ phiếu tăng vốn điều lệ khi cần thiết. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua, PV Power dự kiến khởi công công trình vào quý II/2021, vận hành thương mại Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý II/2024.

Không riêng PVPower, mùa đại hội cổ đông năm nay của nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều kế hoạch đầu tư chiến lược như CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1) và CTCP Đầu tư Thế giới Di động. Lãnh đạo PCC1 cho biết sẽ tập trung vào các dự án điện gió, đồng thời, đầu tư mua sắm cẩu đặc chủng để có thể làm tổng thầu xây lắp cho các dự án. Trong khi đó, thời gian khởi công nhà máy thủy điện Bảo Lạc A được điều chỉnh lại, lùi gần 2 năm ngày khởi công.

Tại MWG, doanh nghiệp này đang triển khai mô hình kết hợp giữa vườn rau nhà trồng và công nghệ 4Kfarm với 4 tiêu chí không thuốc trừ sâu, không thực phẩm biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng và không chất bảo quản. Các hộ nông dân có sẵn đất, còn 4KFarm sẽ tạm ứng chi phí để triển khai trồng các loại rau theo nhu cầu thị trường, và cung cấp các vật tư cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện 4 hộ nông dân tham gia chương trình với diện tích hơn 1.000 m2. Trong vòng 9 tháng tới, MWG đặt mục tiêu triển khai 60.000 m2 diện tích trồng rau, đáp ứng 20% nhu cầu của BHX trong khu vực TP HCM/

Sôi động M&A: Sen Đỏ “đính hôn” Tiki, Saplatics vẫn chờ nhà đầu tư ngoại rót vốn

Sau nhiều tin đồn xuất hiện nhiều tháng nay, thông báo về việc sáp nhập hai sàn thương mại điện tử Tiki và Sendo đã được đưa đến cơ quan quản lý, theo một nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số. Tiki và Sendo lọt top 4 sàn TMĐT có lượng truy câp lớn nhất Việt Nam, trong đó Tiki giữ vị trí số 2 và Sendo ở số 4. Shopee và Lazada là hai ứng dụng thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam và đều đang được hậu thuẫn mạnh từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài.Việc sáp nhập này được kỳ vọng sẽ khiến cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử sôi động hơn.

CTCP Bao bì nhựa Sài gòn (Saplastic) trông chờ vào thương vụ M&A như “cứu cánh” cho bài toán tồn tại. Trong một văn bản vừa gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Saplatics cho biết công ty rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, không có nguồn tài chính phục vụ hoạt động sản xuất bởi các ngân hàng ngừng giải ngân các khoản cho vay mới. Năm 2019, một nhà cung cấp của công ty đã đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với Saplastic. Hiện lỗ lũy kế của doanh nghiệp này cũng đã vượt quá vốn điều lệ. Tuy nhiên, Saplastics cho biết vẫn đang “cố gắng thuyết phục” và “chờ đợi” tập đoàn PHI Group từ Mỹ. Cũng theo công ty, tình hình dịch bệnh hiện tại cũng là nguyên nhân khiến việc hợp tác đang tạm thời bị gián đoạn.

Cũng trong tuần qua, CTCP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức – đơn vị quản lý vận hành chợ đầu mối trên diện tích hơn 20 ha tại Thủ Đức đã được quyết định sang tay chủ mới. CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDucHouse, mã TDH) là cổ đông sáng lập, từng sở hữu 100% vốn doanh nghiệp này nhưng đã bán tới 51% vốn cho cán bộ chủ chốt của chính ThuDucHouse. Toàn bộ 49% vốn còn lại cũng sẽ được chuyển nhượng, bên mua chưa được công bố. Thương vụ dự kiến mang về 88 tỷ đồng cho ThuDucHouse.

Vốn về từ kênh trái phiếu

Liên tục trong tuần qua, nhiều thương vụ huy động vốn từ phát hành trái phiếu được công bố. CTCP Tập đoàn Masan đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu ra công chúng cuối cùng. Số trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng đã được phân phối cho 456 nhà đầu tư, trong đó 2 tổ chức mua hơn 72% lượng trái phiếu chào bán. Tổng cộng, sau 4 đợt, Masan huy động được 10.000 tỷ đồng từ kênh này. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu là 9,3%/năm và áp dụng mức thả nổi cộng thêm biên độ 2,5%/năm các năm sau.

CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce, một công ty do Masan sở hữu chi phối cũng huy động xong 1.502,5 tỷ đồng thông qua 15 đợt phát hành trái phiếu từ giữa tháng. Trái phiếu được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN). Đồng thời, toàn bộ nghĩa vụ thanh toán còn được đảm bảo bởi cổ phần của Vincommerce thuộc sở hữu của CTCP Phát triển thương mại và dịch vụ VCM.

Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Lãi suất áp dụng trong năm đầu tiên là 9,9%/năm, năm thứ hai là 10,9%/năm và áp dụng mức lãi suất thả nổi các năm sau với biên độ 3,9%/năm cộng thêm vào lãi suất tham chiếu.

Novaland (NVL), Gelex (GEX) cũng vừa công bố hoàn tất đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, thu về lần lượt 200 tỷ đồng và 700 tỷ đồng.

Rao bán cổ phiếu khối lượng lớn

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) cho biết sẽ thực hiện đợt bán 15 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 16/6 đến 15/7. Giao dịch dự kiến thực hiện trên sàn, nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển cho tập đoàn này. Với giá cổ phiếu hiện tại 47.000 đồng/cp, số tiền Petrolimex dự kiến thu về hơn 700 tỷ đồng.

Cũng trong tuần trước, cổ đông lớn nhất của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu. Hồi đầu tháng 02/2020, một doanh nghiệp khác do ông Vũ sở hữu là Công ty TNHH MTV Tam Hỷ cũng bán hơn 1 triệu cổ phiếu HSG để thoái gần như toàn bộ vốn.

Các giao dịch này đều dự kiến thực hiện trên sàn. Quyết định thoái vốn trên được công bố khi giá cổ phiếu HSG đã bật tăng mạnh từ đầu tháng 4. Sau thông tin trên, cổ phiếu HSG vẫn giao dịch khá tích cực. Cổ phiếu HSG cũng lần đầu trở về mức giá trên 10.000 đồng/cp sau hơn một năm rưỡi giao dịch dưới mệnh giá.

Chia sẻ tại phiên họp thường niên đầu năm 2020, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho rằng công ty cơ bản vượt qua giai đoạn khắc nghiệt nhất của thị trường và làm được hai việc lớn là tái cơ cấu toàn bộ hệ thống phân phối cùng bộ máy nhân sự. Đồng thời, vị chủ tịch này cũng từng đưa ra dự báo lạc quan về giá cổ phiếu HSG.

Tác giả: Thanh Thủy

Nguồn tin: Báo Đầu tư

  Từ khóa: Masan ,Vinhomes

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP