Pháp luật

Màn kịch giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu cao tốc gần 500 tỷ đồng

Để trúng gói thầu dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ giá trị gần 500 tỷ đồng, Tập đoàn Thuận An đã dựng nên màn kịch "quân xanh – quân đỏ" tinh vi.

Trước nhờ quan hệ…

Không chỉ có dự án tại Bắc Giang, Hà Nội, Tập đoàn Thuận An còn "vươn vòi bạch tuộc" đến dự án cao tốc tại Tuyên Quang. Xem lại bài: Đâu là "át chủ bài" giúp Tập đoàn Thuận An thâu tóm gói thầu nghìn tỷ đồng?

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) có mối quan hệ quen biết từ trước. Thông qua Huy, Hưng biết Trần Viết Cương - Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang từ năm 2011.

Tháng 5/2021, biết Ban QLDA Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu Gói thầu số 26 dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (toàn bộ tuyến đường thi công trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang – gọi tắt là Gói thầu 26), Huy đã gặp và đề nghị Hưng sử dụng Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu.

Bị can Trần Viết Cương - Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang (ảnh phải).

Khi trúng thầu thì các đội thi công của Huy sẽ có việc làm, còn Tập đoàn Thuận An sẽ cung cấp vật tư đầu vào, quản lý chất lượng.

Đầu tháng 6/2021 (trước khi Ban QLDA Tuyên Quang phát hành Hố sơ mời thầu), Hưng đến gặp Trần Viết Cương và đề nghị được tham gia thi công Gói thầu 26.

Qua trao đổi về giá dự toán, Hưng nói giá thấp và đề nghị nâng giá dự toán nhưng ông Cương không đồng ý vì không thể điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án. Thấy vậy, Hưng có ý kiến như vậyTập đoàn Thuận An sẽ không thể làm toàn bộ gói thầu được.

Sau đó, Cương gọi điện thoại mời ông Phạm Quang Hiệp - Giám đốc Công ty Hiệp Phú và ông Nguyễn Ngọc Đình – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thành Hưng đến cùng bàn việc liên danh với Tập đoàn Thuận An thi công Gói thầu 26.

Tại buổi nói chuyện, sau khi được Cương trao đổi, thông tin về giá dự toán Gói thầu 26, ông Đình từ chối tham gia do không đủ năng lực. Ông Hiệp muốn một đơn vị cùng tham gia liên danh cho đủ năng lực.

Thấy vậy, ông Cương đã giới thiệu, đề nghị Nguyễn Duy Hưng và ông Hiệp liên hệ, làm việc với ông Lại Xuân Hùng - Tổng giám đốc Công ty Licogi 14 để thống nhất làm hồ sơ đấu thầu và thi công Gói thầu 26.

Tại buổi làm việc, Hưng và Hiệp đều hiểu là Trần Viết Cương đã đồng ý cho 3 Công ty cùng liên danh đấu thầu Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Sau cuộc gặp, Cương đã chỉ đạo Lưu Xuân Hiếu - Phó trưởng phòng điều hành dự án (Ban QLDA Tuyên Quang) sao chép toàn bộ dự toán chi tiết Gói thầu 26 cho Công ty Hiệp Phú. Tiếp đến, Tập đoàn Thuận An nhận được file dự toán chi tiết Gói thầu 26.

…sau dùng thủ đoạn

Có được tài liệu, ngày 13/6/2021, Trần Anh Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An thông báo và chỉ đạo nhân viên nghiên cứu dự toán mới của dự án, tải HSMT gói thầu số 26 về nghiên cứu.

Do sợ không đủ 3 nhà thầu tham gia đấu thầu sẽ bị hủy thầu, Quang chỉ đạo nhân viên liên hệ với Công ty Tự Lập, Công ty Hiệp Phú để "mời" Công ty 68 và Công ty Tự Lập làm quân xanh (tham gia để trượt thầu) cho Liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 (quân đỏ) trúng thầu khi tham gia đấu thầu.

Bị can Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An.

Các bên xây dựng "kịch bản" hồ sơ cho "quân xanh" thứ nhất là Công ty 68 khi chấm thầu sẽ không qua vòng 1, còn hồ sơ "quân xanh" thứ 2 là Công ty Tự Lập vào vòng 2 sẽ bị loại do trả giá cao hơn "quân đỏ".

Đúng như kịch bản, ngày 6/8/2021, Trần Viết Cương đã ký văn bản thông báo kết quả trúng thầu với liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14, giá trị gói thầu hơn 487 tỷ đồng.

Sau khi Tập đoàn Thuận An trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất, đồng ý giao cho Nguyễn Văn Huy quản lý, điều hành 3 đội thi công, nhà thầu phụ (Công ty Việt Tiến, Công ty Đức Trung và Công ty 459) thực hiện thi công toàn bộ phần khối lượng công việc của Tập đoàn Thuận An, Hưng thu 14% tiền "cơ chế" của 3 đơn vị này.

Thực hiện thỏa thuận trên, Huy được giao làm Giám đốc điều hành thi công Dự án và đưa 3 đội thi công trên thực hiện phần công việc của Tập đoàn Thuận An.

Quá trình thi công, theo thỏa thuận, Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng của các nhà thầu. Ngoài ra, để có tiền chi cho BQLDA, Hưng đã thu 5,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào (nâng giá hóa đơn) của nhà cung cấp vật liệu.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Văn Huy đã 02 lần nhận tiền từ Tập đoàn Thuận An đưa cho Trần Viết Cương tổng số tiền 8 tỷ đồng. Ngoài ra, Trần Viết Cương nhận của Phạm Quang Hiệp 2,5 tỷ đồng và của Lại Xuân Hùng 2 tỷ đồng. Tổng cộng ông Cương nhận từ 3 nhà thầu liên danh là 12,5 tỷ đồng.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP