Kinh tế

Lỗ hổng quản lý BOT, tiền tỷ thất thoát

Nhà nước cấp phép dự án BOT thời hạn 20 năm nhưng thời gian hoàn vốn chỉ có 10 năm, còn lại tiền ngân sách sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.

“Người dân còng lưng đóng phí BOT, tiền chảy vào túi tư nhân…”


Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, cho biết, các quy định pháp luật hiện hành đang tạo ra nhiều lỗ hổng trong việc quản lý các dự án BOT, BTO, PPP,... đặc biệt là các dự án BOT đang được dư luận quan tâm.

Theo ông Sơn, khó khăn hiện nay là chưa có quy định về thời gian thực hiện hợp đồng và thời gian hoàn vốn dự án.

“Mình cấp giấy phép hoạt động có thể 20 năm trong khi thời gian hoàn vốn chỉ 10 năm. Thời gian còn lại, nếu quản lý không chặt, ngân sách tự nhiên sẽ chảy vào túi tư nhân”, ông Sơn nói.

Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng: Thả nổi việc quản lý thu phí BOT khiến tiền ngân sách chảy vào túi tư nhân.


Ông nhấn mạnh, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thu phí ở các dự án hiện nay có đúng như trong dự án được duyệt hay không.

Vị giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng nêu lên hiện tượng các chủ đầu tư cố tình đưa vào dự án con số thu phí/ngày giảm xuống để kéo dài thời gian thu, còn trên thực tế, số tiền thu gấp đôi con số này.

“Vậy số tiền chênh lệch gấp đôi đó sẽ chia lợi nhuận như thế nào? Nhà nước cần phải rút ngắn thời gian thu phí các dự án BOT, lập một cơ quan thanh tra, giám sát việc thu phí hoặc đặt một thiết bị thu phí tự động để giám sát doanh thu”, ông Sơn đề nghị.

Theo ông Sơn, hiện đang có hiện tượng thả nổi việc quản lý thu phí BOT.

Thực trạng này khiến người dân ngày càng phải ‘cõng’ nhiều loại phí trong khi ngân sách không được hưởng lợi. Ông đề xuất cần có các quy định thật chặt để giám sát.

Trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên Huế) đặt trước hầm Hải Vân.


Kiến nghị của ông Sơn về quản lý BOT đã được chuyển tới đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc tại Đà Nẵng, nhằm lấy ý kiến về những hạn chế của Luật Đầu tư và các văn bản luật khác liên quan.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết sẽ tổng hợp ý kiến này gửi lên Chính phủ để trình ra Quốc hội xem xét, sửa đổi.

Thời gian qua, nhiều bất cập, sai phạm của những dự án BOT đường bộ đã bị phanh phui. Người dân cũng than phiền ngày càng phải ‘cõng’ thêm phí đường bộ do các trạm BOT quá dày đặc.

VietNamNet từng phản ánh việc chủ đầu tư dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên Huế) ‘kéo’ trạm thu phí vào đặt ngay trước cửa hầm Hải Vân, khiến hàng trăm dân địa phương có nguy cơ bị thu phí oan.

Từ Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đến Điện Bàn (Quảng Nam) hiện có 3 trạm BOT trên khoảng cách chừng 100km. Trong khi đó, sắp tới, trên chặng này sẽ triển khai thêm dự án BOT mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.

Tác giả bài viết: Cao Thái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP