Số hóa

Lắp điều hòa trong phòng ngủ ở vị trí nào?

Nhiều người Việt vẫn mắc sai lầm trong cách lắp và sử dụng điều hòa, dẫn tới một số ảnh hưởng tới sức khỏe.

Điều hòa là công cụ làm mát hữu hiệu, và là thiết bị gần như không thể thiếu trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay, đặc biệt là với các tỉnh thành đang bước vào mùa nóng kéo dài.

Dẫu vậy, một số người vẫn cho rằng sử dụng điều hòa là "không an toàn cho sức khỏe", do dễ gây ra các chứng bệnh về hô hấp như ho, hắt hơi, khô mũi, sổ mũi, cảm lạnh,... thậm chí là sốc nhiệt, đặc biệt với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, liệu đây có phải do lỗi của chiếc điều hòa, hay do chúng ta đã hiểu sai về cách hoạt động của chúng?

Theo ông Mai Thế Trung, chuyên gia phát triển sản phẩm của Casper, hiện rất nhiều người Việt đang mắc sai lầm trong cách lắp, cũng như cách dùng điều hòa, dẫn tới một số ảnh hưởng tới sức khỏe trong quá trình sử dụng.

Vị trí lắp điều hòa thổi trực tiếp vào người khi nằm ngủ như các quảng cáo, hình ảnh giới thiệu về điều hòa là một sai lầm.

Trong đó, dễ bắt gặp nhất đó là việc lắp điều hòa ngay phía trên đầu giường, cuối chân giường, hoặc tại vị trí thổi trực tiếp vào người khi nằm ngủ.

"Khối trong nhà của máy điều hòa nên được lắp lệch với giường ngủ", ông Trung khẳng định.

"Điều này giúp tránh cho luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào người, gây ảnh hưởng không tốt tới người sử dụng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch còn yếu".

Với cách lắp này, một số gia đình có thể sẽ cảm thấy không hợp lý, vì bật mãi không thấy mát, khi luồng gió không trực tiếp đến với cơ thể. Nhưng trên thực tế, đây là cách khoa học nhất để sử dụng điều hòa mà vẫn đảm bảo sức khỏe. Nếu chưa cảm thấy đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt điện, quạt trần trong phòng để phân tán luồng khí được tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiệt độ của điều hòa cũng là một trong những yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng.

Rất nhiều người khi mới bật điều hòa, đã chọn chế độ nhiệt thấp, nhằm giúp phòng nhanh mát, nhưng sau đó lại không điều chỉnh lại mức nhiệt cho phù hợp, hoặc có trường hợp ngủ quên tới sáng.

Điều này khiến cơ thể bị nhiễm lạnh kéo dài trong lúc đang nằm ngủ, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch kém như người có tiền sử bệnh hô hấp, trẻ nhỏ, người già,... rất dễ bị các triệu chứng như sổ mũi, cảm lạnh.

Theo các chuyên gia, mức nhiệt hợp lý nhất cho điều kiện khí hậu tại Việt Nam là từ 27 - 28 độ C. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý nếu có trẻ nhỏ, cụ thể như sau:

Trẻ sơ sinh non tháng, cần đặt nhiệt độ từ 32 độ trở lên.

- Trẻ sơ sinh đủ tháng có thể đặt nhiệt độ thấp hơn khoảng 30 độ.

- Trẻ 2-3 tháng đến 1 tuổi có thể đặt ở mức 28 - 29 độ.

- Trẻ 1 tuổi trở lên có thể đặt 26-29 độ. Trẻ lớn tuổi hơn có thể hạ thấp hơn nữa.

Ngoài ra, người dùng cũng được khuyên là nên lắp quạt thông gió, hoặc hé một chút cửa sổ, cửa ra vào, để không khí trong phòng được luân chuyển, từ đó sẽ có lợi cho sức khỏe hơn so với phòng kín hoàn toàn.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP