Xã hội

Lao động xuất khẩu giá 100 triệu đồng: Hé lộ bí mật dịch vụ “bao đỗ” (kỳ 2)

Tạo lòng tin với người lao động bằng việc "khoe" có mối quan hệ mật thiết với bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công ty CP đào tạo và phát triển số Hà Nội đã "dụ" được nhiều người tham gia.

Trong kì 1 Thâm nhập công ty “bao đỗ” lao động xuất khẩu giá 100 triệu đồng, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ được với người đàn ông tên Tuấn, là nhân viên của công ty CP đào tạo và phát triển số Hà Nội.

Sau nhiều lần trò chuyện, đóng giả làm người đang có nhu cầu đi lao động tại Nhật Bản, PV đã được Tuấn đưa tới trụ sở công ty để nghe nhân viên tư vấn. Từ đây, dịch vụ “bao đỗ” chương trình lao động xuất khẩu tại Nhật Bản bắt đầu được hé lộ…

Đơn càng “đẹp”, giá càng cao

Sau cuộc trò chuyện với nam nhân viên của công ty trên xe, PV được đưa đến số nhà 164, Mai Dịch, nơi được Tuấn giới thiệu là văn phòng kiêm nơi ăn ở học tập của những ai đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Nhiều nhân viên công ty ra đón chúng tôi với một thái độ rất nồng nhiệt.

Sau khi PV ổn định chỗ ngồi, một nhân viên nữ tên Trang ra tư vấn về chương trình đi lao động xuất khẩu Nhật Bản với tên gọi IM JAPAN. Theo lời của nhân viên Trang, đây là văn phòng của công ty CP đào tạo và phát triển số Hà Nội do ông Lương Mạnh Hùng làm Giám đốc. Công ty này đang chiêu sinh nguồn lao động để đào tạo cho chương trình IM JAPAN - chương trình của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt chi phí “xuất ngoại” là 0 đồng.

Như để khẳng định sự quan trọng của công ty, Trang nhấn mạnh, hiện tại đang có hàng nghìn hồ sợ nộp tại trung tâm Lao động ngoài nước – bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, để có thể đỗ được kì thi (gồm môn toán, thể lực và vòng phỏng vấn…) do chính Trung tâm tổ chức là điều “không tưởng”.

Chính vì thế, công ty của Giám đốc Hùng sẽ giúp các thí sinh tại khâu này và cam kết đỗ 100% chỉ với giá 100 triệu đồng. Sau màn giới thiệu với lời lẽ hết sức thuyết phục, Trang cũng không quên “dọa” những người có mặt: “Dù các em có giỏi đến mấy thì cũng không thể đỗ được”.

Tiếp lời của nữ nhân viên tên Trang, Tuấn tiếp tục thuyết trình để tăng lòng tin của các vị phụ huynh đang có nhu cầu muốn con em mình được sang Nhật. Tuấn khẳng định, công ty Cổ phần đào tạo và phát triển số Hà Nội có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động. Công ty này đã làm việc với trung tâm Lao động ngoài nước thì tất nhiên phải có sự đồng ý của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đơn "bao đỗ" thực chất chỉ là một tờ giấy giữ hộ tiền không có tính pháp lý.

“100 triệu đồng này chúng tôi thu bằng tinh thần tự nguyện. Nhưng mọi người phải hiểu 100 triệu đồng này chính là chiếc chìa khóa vạn năng giúp các em trúng tuyển các đơn hàng và được sự bảo bộ của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam khi làm việc bên Nhật Bản, thậm chí cả khi các em về nước. Nếu một công ty không có uy tín sẽ không có nhiều học sinh đến với công ty tôi như bây giờ…”, Tuấn ra sức rao giảng.

Theo quan sát của PV, lúc này trên khuôn mặt của nhiều người có mặt tại trụ sở đều tỏ ra tin tưởng trước chương trình “bao đỗ” của công ty và chấp thuận với mức giá mà công ty đưa ra.

Cũng theo chia sẻ của một số nhân viên của công ty, chi phí 100 triệu đồng này sẽ giúp các học viên có đủ điểm để đỗ. Tuy nhiên, để người lao động được đi vào đơn hàng nào của chương trình lao động xuất khẩu tại Nhật Bản thì sẽ tính một giá khác.

Hiện tại, có 5 đơn tương ứng với các ngành: Xây dựng, nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và lắp ráp điện tử. Nếu muốn sang Nhật có việc làm tốt mà lương cao thì phải chọn đơn. Và đương nhiên, phí chọn đơn mất gần 40 triệu đồng nữa. Chính vì thế, đơn lắp ráp điện tử luôn trong tình trạng hết đơn vì ngành này lương cao và không vất vả nhiều.

Được bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “đỡ đầu”?

Để tăng thêm lòng tin của người tham gia, một người đàn ông tên là Lương Mạnh Hùng, giới thiệu là Giám đốc công ty đã trực tiếp đứng ra tư vấn cho PV và những người có mặt.

Vị giám đốc này tiết lộ: “Công ty cam kết sẽ lo cho các em đỗ vào trung tâm Lao động ngoài nước thuộc bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công ty của tôi sẽ có trách nhiệm giúp các em thi và "bao đỗ". Khi đã đỗ rồi, các em hiển nhiên được Trung tâm làm thủ tục cho đi Nhật Bản”.

Cũng như hai thuộc cấp của mình, ông Hùng nhấn mạnh: “Thay mặt người cao nhất của công ty, tôi xin cam kết với mọi người sẽ lo cho các em thi đỗ vào trung tâm Lao động ngoài nước. Đây là việc rất tế nhị, hiện tại chỉ có 3 đơn vị dám đứng ra nhận việc “bao đỗ” này, nếu không có “mối quan hệ” thì có những người thi 10 năm không đỗ, thi đi thi lại những 7 lần”.

Nghe những lời “rót mật” mà ông giám đốc công ty nói, PV thắc mắc về việc công ty có giấy tờ nào chứng minh đã thu tiền “bao đỗ” không, ông Hùng không ngần ngại: “Khi các bạn nộp 100 triệu đồng tiền bao đỗ công ty sẽ cấp cho các bạn 1 phiếu thu đã nộp số tiền đó. Nếu các bạn trượt chỉ cần mang phiếu thu, công ty sẽ trả lại tiền cho các bạn”.

Giám đốc công ty Lương Mạnh Hùng đang tư vấn về dịch vụ “bao đỗ”.

Chưa hài lòng với câu trả lời chung chung của vị giám đốc, PV tiếp tục đề cập việc liệu những phiếu thu này có đủ tính pháp lý hay không thì ngay lập tức ông Hùng đã có những phản ứng gay gắt: “Công ty sẽ không kí bất kì hợp đồng nào với cá nhân học sinh tham gia.

Đây là chúng tôi đang làm phúc cho các bạn, các anh chị đến nhờ tôi để lo đỗ cho các anh chị. Đôi khi muốn được một công việc nào đó, chúng ta hãy đặt niềm tin vào người mà chúng ta nhờ đã. Nếu lo lắng, hãy cầm hồ sơ sang đơn vị khác nộp”.

Đợi không khí lắng xuống, ông Hùng lại tiếp tục “thao thao bất tuyệt”: “Các em sẽ có 1 tháng, công ty sẽ huấn luyện cho các em đảm bảo đỗ 100%”.

Thấy PV có vẻ hoang mang chưa thật sự tin tưởng, một nhân viên có tên Nguyễn H. đã kéo PV ra một chỗ và thuyết phục: “Em cứ yên tâm, công ty chị có mối quan hệ thân thiết với Trưởng phòng đào tạo và Giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước nên mới dám “bao đỗ” như thế.

Chị nói thông tin này là bí mật, chỉ nội bộ được biết, trong bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có dịch vụ “bao đỗ” nhưng họ không muốn đứng ra nên cử anh Lương Mạnh Hùng làm giám đốc để đứng ra tuyển, tạo “chân ngoài” cho mình. Họ sẽ chỉ chấm điểm thôi, chính vì thế các em yên tâm sẽ được bao đỗ. Thông tin này phải bí mật. Với những chỗ khác phải ít nhất 160 đến 170 triệu đồng, còn bên chị thế là quá rẻ em ạ”.

Sau khi được chứng kiến những bài “thuyết pháp” của nhân viên và ông giám đốc công ty, chúng tôi lấy lý do về nhà bàn bạc thêm với gia đình để rút lui khỏi trụ sở.

Ngày hôm sau, để chứng minh rõ hơn sự mập mờ trong hoạt động của công ty Cổ phần đào tạo và phát triển số Hà Nội, PV đã tiếp cận với một số học viên đang được đào tạo tại trụ sở công ty này. Được biết, khi đã trở thành học viên của công ty, các học viên sẽ ăn ở trực tiếp và học tại căn nhà 5 tầng, nơi công ty này dùng làm trụ sở.

Sau nhiều giờ chờ đợi, chúng tôi cũng tiếp cận được với một nam học viên tên M. quê ở Hà Nội. Theo nam học viên này chia sẻ: “Em đang được dạy Toán IQ, nói là nghe có vẻ khó nhưng chỉ là các phép toán đơn giản mà khối tiểu học đã được học. Với cả, bọn em bỏ tiền ra “bao đỗ” 100% rồi nên tâm trạng khi học cũng thoải mái lắm…”.

Câu chuyện này bị cắt ngang bởi một người phụ nữ tên H., được giới thiệu là chị của học viên M.. Chị cho biết, để được làm nhân viên của công ty này vô cùng đơn giản. Sau nhiều lần giới thiệu “mối” người nhà cho công ty, chị H. nhanh chóng trở thành cộng tác viên môi giới cho công ty CP đào tạo và phát triển số Hà Nội.

Khi biết chúng tôi có nguyện vọng đi Nhật, tuy nhiên trình độ tiếp thu kiến thức cũng như khả năng trả lời phỏng vấn rất kém thì chị H. nhanh chóng xua tay và khẳng định chuyện đó không quan trọng, học không được nhưng vẫn thi đỗ.

Chị H. chia sẻ: “Trước đây chồng mình cũng đi xuất khẩu lao động theo chương trình này của Bộ, thậm chí anh ấy còn học chưa hết cấp 2, nhân chia không biết mà vẫn được “bao đỗ”. Nếu đồng ý thì sáng mai chuẩn bị hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh thư, đi khám sức khỏe thứ 2 đi học luôn”.

Còn tiếp...

Tác giả: Linh Chang

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP