Xã hội

Kỹ sư sững sờ trước cảnh tượng khó tin trong nhà đại gia

"Trong quá trình thi công, có phát sinh nguyên vật liệu. Vì vậy, tôi hẹn gặp vị đại gia ở nhà riêng để trình bày. Nào ngờ, vừa đi qua cửa phòng khách, tôi sững sờ vì cảnh tượng trước mặt"...

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi phía Bắc, anh Nguyễn Minh Tân (SN 1983) không bằng lòng với cuộc sống nghèo nàn, vất vả. Sau nhiều năm cố gắng học tập, anh thi đỗ vào trường đại học chuyên ngành xây dựng ở Hà Nội.

Ra trường với tấm bằng khá, anh Tân xin làm phụ việc tại một công trình xây dựng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ở công trình ở đó, anh Tân làm việc chẳng khác gì một công nhân.

Anh phải làm cả 30 ngày, cùng với 12-14 buổi làm ca đêm (đến khoảng 2-3 giờ sáng, hôm sau làm việc bình thường từ 8 giờ sáng) với mức lương khá bèo bọt.

Làm được hơn 1 năm, anh Tân lại chuyển sang xin đi làm đo đạc, bóc tách khối lượng cho một công ty chuyên về thi công xây dựng với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Anh chia sẻ: “Làm công việc này tôi bị áp lực tiến độ, áp lực từ chính người quản lý của mình vì vậy tôi thường xuyên bị ám ảnh ngay cả lúc ngủ.

Quá chán nản, cách đây 4 năm, tôi và một người bạn cùng vay vốn mở công ty tư nhân nhỏ và vừa, chuyên thiết kế, thi công nhà ở, biệt thự trong thành phố. Tại đây, tôi có thể vẽ vời, giám sát công trình mà mình yêu thích”.

Anh Tân chia sẻ những góc khuất đằng sau nghề kỹ sư xây dựng của mình (Ảnh nhân vật cung cấp).

Và cũng chính vì làm chủ, anh Tân bắt đầu được tận mắt chứng kiến những câu chuyện đầy cảm động, khó tin.

“Lập công ty, tôi cùng một người bạn nhận công trình để làm. Từ những ngôi nhà bình thường, chúng tôi bắt đầu nhận cả biệt thự, nhà cao tầng bề thế.

Qua mối thân quen, chúng tôi cũng nhận thiết kế, thi công căn biệt thự cho một vị đại gia hơn 50 tuổi, ở ngoại thành Hà Nội.

Người này có có vợ và hai cô con gái xinh đẹp. Ông quyết định xây thêm một căn biệt thự mới để tiện công việc giao lưu, tiếp khách. Căn nhà cũ ông để làm nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng”, anh Tân kể.

"Thời gian đầu, mọi việc diễn ra không mấy suôn sẻ bởi chủ nhà đại gia này vô cùng khó tính. Ngay từ bản thiết kế, chúng tôi phải làm việc rất vất vả.

Trong quá trình thi công, có lần thợ xây làm sai bản vẽ khiến tường nhà bị lồi lõm, chúng tôi phải khoan đục, sửa chữa gấp rút ngày đêm để tránh ảnh hưởng đến tiến độ.

Có một lần, vì phát sinh nguyên vật liệu vào đúng ngày cuối tuần nên tôi phải đến gặp vị đại gia tại nhà riêng để trình bày. Nào ngờ, vừa đi qua cửa phòng khách, tôi đã bất ngờ bởi cảnh tượng diễn ra trước mắt.

Lúc đó, vợ ông đại gia đang ngồi trên xe lăn. Tay khua loạn xạ, miệng kêu đau đớn. Tôi nhìn sang bên cạnh, vị đại gia kia đang cố gắng bón từng thìa cháo cho vợ.

Sau giây phút bất ngờ, tôi vội vã cất tiếng nói để thông báo sự có mặt của mình. Thấy tôi, người chủ đẩy xe lăn giao cho người giúp việc rồi mời tôi ngồi uống nước. Sau một hồi, ông mới kể rằng, ngày xưa vợ ông là hoa khôi của một vùng. Thế nhưng cách đây ít lâu, bà không may gặp tai nạn, không thể đi lại được.

Không nề hà đường xa khó nhọc, tốn kém, cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là ông đưa vợ tới chữa trị, tây y có, đông y cũng có.

Thế nhưng bệnh của vợ ông vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều lần, bà tỏ ý muốn ly hôn để chồng đi bước nữa nhưng ông không đồng ý. Ông ở vậy lặng lẽ chăm sóc vợ.

Nghe câu chuyện cảm động trên, tôi vô cùng khâm phục tình yêu và tình nghĩa mà vị đại gia kia dành cho người đầu gối tay ấp của mình. Bởi nhiều người có hoàn cảnh như vậy, khi vợ đau ốm, họ tìm cách trốn tránh hoặc ly hôn, hoặc chí ít là tìm niềm vui thú bên ngoài", anh Tân nói.

Nam kỹ sư này cho biết thêm: "Sau ít tháng thi công, chúng tôi cũng hoàn thành công trình đúng tiến độ. Ngoài ra, chúng tôi cũng được vị đại gia thưởng thêm”.

Anh Tân cũng chia sẻ, làm nghề xây dựng anh còn nhiều lần đối mặt với rủi ro, tai nạn.

“Cách đây 3 tháng, khi chỉ huy anh em trên giàn giáo tại một công trình nhà ở khu Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi bất cẩn nên bị ngã và bị gãy tay.

Lần đó, nếu có điều kiện chắc tôi đã nghỉ ngơi để về quê dưỡng bệnh nhưng vì công việc, vì tiến độ thi công nên đành ở lại để giám sát anh em", anh Tân kể.

Gian khổ, vất vả là vậy nhưng anh chưa hề bỏ ý định làm nghề. "Gian khổ giúp tôi luyện ý chí. Mỗi lần vượt qua được một khó khăn thì con người chúng ta sẽ trưởng thành hơn rất nhiều”, anh Tân nhấn mạnh.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP