Mòn mỏi ngóng con
Làm đám cưới được hai năm, vợ chồng chị Ngọc Mai* (TP.HCM) vẫn không được hưởng niềm hạnh phúc có con. Chị Mai còn rất trẻ, sức khỏe tốt, chỉ có điều thường đau bụng nhiều mỗi khi đến kỳ kinh.
Chị chỉ mong được trễ kinh một lần nhưng trái lại, chu kỳ kinh đến không trễ mà còn rút ngắn dần. Đi khám hiếm muộn, chị mới phát hiện bị lạc nội mạc tử cung buồng trứng hai bên. Là người gieo mầm hạnh phúc cho nhiều trường hợp hiếm muộn, bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y dược TP.HCM không khỏi lo ngại khi siêu âm cho chị thấy nang lạc nội lạc tử cung buồng trứng hai bên to, số nang noãn dự trữ buồng trứng gần như không còn.
Bác sĩ Thân Trọng Thạch đã giúp con được về bên người mẹ hiếm muộn ngay từ lần đầu tiên. Ảnh: NVCC |
Kèm theo đó, người phụ nữ trẻ tuổi này còn bị thêm chứng tủ cung dạng lạc nội mạc trong cơ tử cung (adenomyosis). Tử cung khá to, dính và ít di động, xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm AMH 0.8.
“Ở tuổi dưới 30 mà chỉ số AMH như vậy thì dự trữ buồng trứng gần như cạn kiệt. Rất may chỉ số tinh trùng của người chồng khá ổn. Tôi dành khá nhiều thời gian thuyết phục họ làm thụ tinh ống nghiệm - IVF ngay vì nếu kéo dài nữa sẽ khó có cơ hội có thai bằng trứng của người vợ. Thật khó để thuyết phục vợ chồng trẻ không phẫu thuật mà làm IVF ngay lần khám đầu tiên”, Bác sĩ Thân Trọng Thạch cho biết.
Để tránh nguy cơ làm mất số noãn ít ỏi còn lại trên hai buồng trứng lạc nội mạc, bác sĩ Thân Trọng Thạch không chọn giải pháp mổ bóc u buồng trứng cho người phụ nữ này.
Điều kỳ diệu “gõ cửa”
Sau khi sử dụng thuốc kích trứng liều cao, chị Mai thu được 3 noãn. Đó là con số quá ít so với tuổi của chị nhưng phù hợp với chỉ số dự trữ buồng trứng mà chị đang có và thụ thai được 2 phôi loại khá.
“Ngày chuyển phôi thật khó khăn, tử cung dính nên rất khó đưa phôi vào buồng tử cung. Thực sự lúc bđó chúng tôi cũng thấy lo lắng cho người bệnh. Nhưng rồi hai tuần sau, khi người mẹ thử thai cho kết quả có thai, cả ekip đều vui mừng khôn xiết. Ai cũng nói ông trời thương nên người mẹ may mắn”, Bác sĩ Thạch nói.
Ca mổ diễn ra thành công, người mẹ trẻ mong muốn sẽ có cơ hội làm IVF lần hai. Ảnh: NVCC |
Bác sĩ Thân Trọng Thạch cho biết cả thai kỳ của chị Mai diễn ra khá suôn sẻ, ngoại trừ việc chị bị nhau tiền đạo và thai ngôi ngang. Nhưng may mắn nhất là người mẹ không bị ra máu lần nào. Cả ekip đã quyết định mổ lấy thai ở tuần thứ 37 vào giữa tháng 12/2017.
“Tiên đoán người mẹ bị mất máu nhiều do nhau tiền đạo và lạc nội mạc tử cung nên chúng tôi đã dự trữ sẵn nguồn máu. Đúng như dự kiến, người mẹ bị mất lượng máu nhiều do cả vùng chậu, bàng quang, toàn bộ mặt sau tử cung dính vào ruột và cầm máu rất khó khăn. Sau hai giờ vật vã xử lý, ca mồ đã thành công tốt đẹp. Chỉ tiếc phải tập trung cho ca mổ nên em bé không được da kề da với mẹ. Lúc mổ tôi chỉ kịp cho mẹ xem mặt em bé mà thôi”, Bác sĩ Thạch nhớ lại.
Sau khi được bác sĩ tư vấn về mặt lợi và hại của việc bóc nang lạc nội mạc tử cung, người mẹ ấy đã quyết định không bóc để có cơ hội làm thụ tinh ống nghiệm lần thứ hai.
*Họ tên nhân vật đã được thay đổi
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn