Vỡ òa phút đoàn viên
Từ tổ chốt Nhọt Lợt xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), hành quân theo hướng cột mốc 391, gần 3 tiếng đồng hồ luồn rừng, vượt núi chúng tôi đặt chân đến bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng thuộc huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Ở đây sẽ diễn ra lễ kết nghĩa giữa bản Pung Vai và bản Phà Chiếng thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
|
Chỉ ít phút sau khi phông bạt, sân khấu được dựng tại bãi đất phẳng trên đỉnh một ngọn đồi thuộc bản Pung Vai, bà con dân bản bắt đầu kéo đến. Trong đám đông, chúng tôi đặc biệt chú ý quan sát một người phụ nữ lưng địu đứa con nhỏ đứng khóc nức nở, vừa nắm chặt bàn tay Trưởng bản Nhọt Lợt (xã Mỹ Lý) Già Bá Ca. Hỏi nhỏ ông Già Nỏ Chò – Bí thư Chi bộ bản Phà Chiếng, “Vì sao người đó lại khóc mãi như vậy?”. Ông Chò cho biết, đó là cô Mùa Y Rùa, em gái của Già Bá Ca. Mùa Y Rùa lấy chồng người Lào, ở bản Pung Vai này. Từ ngày Y Rùa lấy chồng, theo chồng sang bản này đã gần 10 năm anh em chưa có dịp gặp nhau.
Chúng tôi đoán chừng nay Mùa Y Rùa khoảng 30 – 40 tuổi. Song khi hỏi chuyện anh trai Mùa Y Rùa mới hay cô sinh năm 1993, lấy chồng ở bản Pung Vai và từ đó chưa một lần về Việt Nam do điều kiện đi lại quá xa xôi, cuộc sống cũng nghèo khó, bận bịu con cái, nương rẫy.
|
Trước những nỗi niềm của em gái, Trưởng bản Nhọt Lợt Già Bá Ca cứ lóng ngóng cầm tay em vỗ về an ủi, miệng lắp bắp không nói nên lời. Phải một lúc sau, cùng sự hỏi han chia sẻ của mọi người, Già Bá Ca mới cất tiếng động viên em gái: “Giờ hai bản đã kết nghĩa, trở thành anh em một nhà rồi, anh em sẽ còn nhiều dịp gặp nhau mà”. Mùa Y Rùa gật gật đầu, miệng nhoẻn cười và thôi không khóc nữa. Những giọt nước mắt đoàn viên của anh em Mùa Y Rùa khiến buổi lễ càng thêm xúc động.
Hôm ấy, cán bộ, nhân dân hai bản của hai quốc gia đã hòa làm một, cùng vui điệu lăm vông, múa sạp, cùng uống chung chóe rượu cần, cùng nói với nhau bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt. “Bản Lào và bản Việt Nam là anh em một nhà” – vừa nói Trưởng bản Pung Vai Thò Nềnh Rê vừa nắm chặt tay Trưởng bản Phà Chiếng Già Tông Bì sau khi ký vào văn bản kết nghĩa…
|
Những người con chung dòng máu
Sau cuộc “hành quân” đáng nhớ đến Pung Vai, khi trở về, để tìm hiểu rõ hơn truyền thống gắn bó bao đời giữa nhân dân hai bên biên giới còn ghi dấu tại Mỹ Lý, chúng tôi nhờ sự kết nối của Đồn biên phòng Mỹ Lý để gặp các già làng, trưởng bản và một số lãnh đạo của xã Mỹ Lý qua các thời kỳ. Theo lời hẹn, Bí thư Chi bộ bản Phà Chiếng Già Nỏ Chò cùng các cựu cán bộ xã gồm Kha Diễn Tâm, Kha Biên Phòng cùng bí thư, chủ tịch xã Mỹ Lý đã vui vẻ ngồi trò chuyện trong gian phòng ấm cúng của ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào ở đây.
Ông Già Nỏ Chò đã có hơn 20 năm làm trưởng bản, bí thư chi bộ của bản Phà Chiếng – bản giáp biên giới nước bạn Lào và 100% người dân là đồng bào Mông. Ông Già Nỏ Chò cho biết “lịch sử dân tộc Mông của chúng tôi hầu hết đời nào cũng có người lấy chồng, lấy vợ là người Lào. Người Lào và người Việt từ bao đời đã là thành viên trong gia đình, sinh ra nhiều thế hệ con cháu có chung dòng máu Việt – Lào”. Dẫn chứng cho điều này, ông Già Nỏ Chò cho hay, mẹ đẻ của ông là người Lào. Bà mất năm 2017, thọ 120 tuổi. Anh trai kề ông Chò, rồi con trai ông Chò là Già Bá Tàu cũng lấy vợ là người Lào, sinh sống tại bản Pung Vai.
|
Ông Kha Biên Phòng (sinh năm 1955), người nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Mỹ Lý nay đã về hưu, góp thêm chuyện về mối quan hệ huyết thống lâu đời giữa các dân tộc Lào – Việt. Ông kể, thời còn chiến tranh chống Pháp, đại gia đình ông sơ tán sang huyện Sầm Tớ của Lào. Hồi đó chưa hề có sự phân định biên giới giữa hai quốc gia. Nhân dân hai dân tộc đã cùng nhau sát cánh đánh giặc, bố và anh trai của ông Phòng đã tham gia quân đội Lào kháng chiến. Anh trai của ông là A Nông Già Thò Tu đã trở thành Đại tá quân đội nhân dân Lào (vừa mất tháng 7/2018).
Thời đó, bố ông là người Mỹ Lý, trong thời gian tham gia quân đội Lào đã quen biết và lấy mẹ đẻ của ông làm vợ hai, một phụ nữ Lào. Mẹ đẻ của ông là người Lào nhưng lại làm con nuôi của một người Việt Nam ở bản Xốp Cắng và do chiến tranh nên mẹ con ông Phòng sang Mỹ Lý sinh sống. Vì thế, ông Kha Biên Phòng là người mang trong mình hai dòng máu Lào – Việt. “Chị gái của tôi là Pa Ny Già Thò Tu từng học ở Việt Nam 8 năm, sau đó làm giảng viên Trường Đại học Viêng Chăn. Hiện nay chị tôi là Chủ tịch Quốc hội Lào. Chị rất hay về Việt Nam thăm anh em, quê hương bản quán, vì trước đây chị được sinh ra ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn ta”- ông Kha Biên Phòng kể.
Ông Phòng còn cho biết, ở bản Xốp Cắng, huyện Mường Dương của Lào hiện nay có hơn 100 người anh em họ hàng của ông đang sinh sống, tham gia công tác tại chính quyền nước sở tại, ví như anh May Khăm Kha là em con cậu, lấy vợ là Chủ tịch Hội Phụ nữ bản Lòong Cắng. Con trai nuôi của ông hiện sống tại bản Xốp Tụ xã Mỹ Lý cũng có vợ là người Lào. Rồi Thoong Kháy – Chủ tịch cụm bản Xốp Cắng của Lào hiện nay là anh em con cậu của ông Phòng…
Nghĩa tình theo năm tháng
Kể về sự gắn kết giữa chính quyền, nhân dân Mỹ Lý với các bản của Lào, ông Kha Văn Nghệ – Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý nói thêm “hai bên từng đi lại như một nhà đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống loạn nội xâm”. Thời Pháp thuộc, nhân dân Lào ở bản Xốp Lẩu thường xuôi theo dòng Nậm Nơn sang Việt Nam về trú ẩn ở xã Lục Dạ huyện Con Cuông, Nghệ An. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số họ không trở về Lào mà ở lại Việt Nam tỏa đi nhiều địa phương, trong đó có huyện Kỳ Sơn để làm ăn, sinh sống cho đến ngày nay, con cháu họ trở thành người Việt Nam. Cũng bởi vậy, nhiều phong tục tập quán của Việt Nam và Lào hiện đã hòa trộn làm một, từ phong tục cưới xin, lễ tết, trang phục đến cả ngôn ngữ cũng dùng chung, nhất là tiếng Mông.
|
Những câu chuyện về tình gắn bó thắm thiết keo sơn giữa hai dân tộc kể mãi không hết và đã hút chúng tôi vào từng chi tiết qua trí nhớ của các già làng, trưởng bản. Đặc biệt là những câu chuyện về sự hi sinh của bộ đội Việt Nam, của công an Lào trong hợp sức giữ gìn an ninh biên giới; chuyện cùng nhau đánh “phỉ” ở Khe Bén thuộc xã Mỹ Lý – địa danh khét tiếng một thời của nạn phỉ Vàng Pao và là nơi ghi dấu nhiều chiến công cũng như hi sinh của bộ đội Lào và bộ đội Việt Nam. “Tôi còn nhớ mãi lần tham dự đoàn công tác của Bộ đội Đồn biên phòng Mỹ Lý do anh Trần Hải Bình, nay là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trực tiếp chỉ huy diễn ra tại bản Xằng Trên của xã Mỹ Lý” – ông Kha Diễn Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý kể. Đó là vụ bắt đối tượng buôn bán ma túy xuyên quốc gia do chính người dân Lào cung cấp thông tin. Trong câu chuyện, ông Kha Diễn Tâm và các già làng ở Mỹ Lý nhắc nhớ về những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu, hy sinh trên đất Lào; và rất tự hào khi ngày nay ở Việt Nam có nhiều du học sinh Lào sinh sống, học tập…
Quan hệ Việt Nam – Lào không còn dừng lại ở tình hữu nghị đặc biệt, mà còn là một biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết giữa hai nước, hai dân tộc anh em, sự hòa trộn máu thịt hiếm có… Và trong câu chuyện tưởng như không dừng lại trong chiều Mỹ Lý ấy, lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bấy lâu cách trở quan hà/Từ nay Lào – Việt rất là gần nhau/Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” vẫn như còn vang vọng mãi…
|
Nội dung: Hoài Thu - Mỹ Nga
Ảnh: PV - Clip: M.N
Thực hiện: Hữu Quân
Nguồn: Báo Nghệ An