Kinh tế

Kiến nghị gói vay ưu đãi 110.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Đó là một trong những giải pháp sẽ được Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ tại hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.

Tập đoàn Lan Hưng, chủ dự án nhà ở xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục bán nhà ở xã hội - Ảnh: B.NGỌC

Để phát triển bền vững thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ loạt giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở của số đông người dân hiện nay.

Trong đó, đề xuất đáng lưu ý nhất của Bộ Xây dựng là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; về chọn chủ đầu tư, quyền lợi, ưu đãi dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có việc dành 16.000 tỉ đồng vay ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện đang có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội như: chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện quy trình xác định tiền sử dụng đất dự án rồi mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất.

Điều này làm phát sinh thủ tục, chi phí, thông thường các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành thủ tục này.

Một số bất cập khác theo Bộ Xây dựng cũng cần sớm được khắc phục như: hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.

Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi tổ chức bán hàng, quản lý doanh nghiệp, việc định mức lợi nhuận dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% đã không thu hút được doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.

Cũng liên quan đến giá bán, Bộ Xây dựng cho rằng cần sớm sửa đổi quy định về giao UBND các địa phương thẩm định giá bán các dự án nhà ở xã hội thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vì thủ tục này kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Tác giả: Bảo Ngọc

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP