Đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu - Ảnh: GIA HÂN |
Bị doanh nghiệp bất động sản lừa đảo, nhiều gia đình suy sụp
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc công chứng, chức thực hợp đồng kinh doanh bất động sản còn nhiều ý kiến khác nhau.
Do vậy dự thảo quy định theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà một bên tham gia là doanh nghiệp thì “công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên”.
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng hợp đồng mua bán bất động sản giữa người dân và doanh nghiệp mà không yêu cầu công chứng là “chưa hợp lý”.
Ông nói quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản cần phải được quản lý chặt chẽ. “Khi niềm tin được bảo đảm sẽ thúc đẩy mua bán, đầu tư vào tài sản và sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản".
Còn theo cơ chế mua bán bất động sản “hoàn toàn riêng tư”, không có tổ chức trung gian kiểm soát như tổ chức công chứng sẽ có nhiều bất cập.
“Hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra. Tranh chấp về các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, và có thể dẫn đến người mua không được hoàn trả số tiền đã thanh toán, làm nhiều người phải gánh khoản nợ không nhỏ, dẫn đến sự suy sụp của nhiều gia đình”, ông Hoàn dẫn chứng.
Ông nhận định hầu hết cá nhân tham gia giao dịch mua nhà ở không thường xuyên. Do vậy, sự hiểu biết của người dân về cách thực hiện giao dịch thường bị hạn chế.
“Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, cần một chuyên gia là công chứng viên - bên thứ ba tham gia kiểm soát hoạt động này, trên cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ quy định pháp luật”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Từ đó, ông Hoàn đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản nếu một bên là cá nhân thì phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng.
Nhà ở bán “2 giá” phổ biến, “cò đất” tràn lan
Một vấn đề khác, dự thảo luật mới nhất đã bỏ quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn.
Thay vào đó dự thảo bổ sung quy định: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản”.
Dự thảo luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Tán thành nội dung này, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị xem xét bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về các giao dịch bất động sản diễn ra tại sàn.
Theo ông, thực trạng “hàng hóa bán theo 2 giá đang diễn ra khá phổ biến”. Từ xe máy, ô tô, đến nhà ở không khó để tìm kiếm trên mạng giá bán của chủ đầu tư được đăng công khai, nhưng mua được theo giá bán niêm yết rất khó.
"Vậy giá trị giao dịch thật của bất động sản do các doanh nghiệp bán ở đâu?", ông Hoàn đặt câu hỏi.
Và trả lời: “Xin thưa, giá cũng đăng đầy dẫy trên mạng nhưng được hô biến bằng các suất đối ngoại, nhượng lại, giá chủ đầu tư, nhưng được cộng thêm một khoản không hề nhỏ, đó là khoản tiền chênh, không được ghi trong hợp đồng mua bán, mà bản chất là trốn thuế”.
Từ thực trạng này, ông Hoàn chỉ rõ không đánh đồng tất cả, bởi thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản bán hàng minh bạch thông qua giá niêm yết công khai, tổ chức bán hàng trực tiếp. Đặc biệt tổ chức bán đấu giá công khai, không hạn chế người tham gia.
“Đây là giải pháp rất đáng được nghiên cứu để quy định trong luật, để vừa kiểm soát được giá giao dịch, tránh thất thu thuế, vừa hình thành cơ sở dữ liệu đầu vào của giá thị trường bất động sản”, ông Hoàn góp ý.
Tác giả: THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ