>>‘Rối loạn tiền đình’ vì cán bộ... chơi chữ!
>>Nghệ An: Khai sinh con thứ 3 phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng
Không có chuyện ép buộc?
Bà Lê Thị Hoài Chung, Chi cục trưởng chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, cho biết việc “tự nguyện” này là giải pháp trong bản cam kết vận động đối với cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ.
Theo bà Chung, Nghị quyết 170 và Quyết định 43 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành có nêu các cặp vợ chồng đều được tuyên truyền, vận động ký cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Bản cam kết có nội dung các hộ gia đình nếu vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì “tự nguyện” đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho ban dân số, kế hoạch hóa gia đình xã để góp phần đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương.
Đề cập đến câu chuyện sinh con thứ 3 phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng ở xã Võ Liệt, bà Chung khẳng định cán bộ dân số chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo nội dung bản cam kết chứ không có chuyện ép buộc hay gây khó dễ làm thủ tục khai sinh con thứ 3.
“Vợ chồng sinh con thứ 3 phải thấy trách nhiệm của mình là tự nguyện xin đóng góp vào quỹ dân số chứ không phải là hình thức phạt”, bà Chung khẳng định.
Do chưa có giấy khai sinh nên bé T. - con ông Tiến - không có tên trong danh sách khẩu sổ cận nghèo của gia đình - Ảnh: DOÃN HÒA
Yêu cầu cấp giấy khai sinh cho trẻ
Chiều 27-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Kiều Thị Huệ, trưởng phòng hành chính tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An, cho biết thủ tục cấp giấy khai sinh cho trẻ không tính lệ phí và cán bộ tư pháp hộ tịch giải quyết cấp giấy khai sinh trong một ngày; trường hợp cần xác minh không quá 5 ngày làm việc.
Thời gian trước, Sở Tư pháp Nghệ An cũng từng ra văn bản chấn chỉnh các địa phương xảy ra tình trạng cán bộ tư pháp cơ sở “ép buộc” người dân phải đóng tiền “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng cho cán bộ dân số mới được làm giấy khai sinh con thứ 3.
“Các trẻ sinh ra đều được khai sinh, các em không có lỗi gì. Nếu vì một lý do gì đó không làm giấy khai sinh cho các em là lỗi sai của cán bộ tư pháp, hộ tịch. Không phải vì bố mẹ chưa nộp tiền tự nguyện do hoàn cảnh khó khăn mà tước đi quyền được khai sinh của các em”, bà Huệ nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin Tuổi Trẻ phản ảnh, bà Huệ đã điện thoại trực tiếp cho trưởng phòng tư pháp huyện Thanh Chương yêu cầu kiểm tra, rà soát và cấp giấy khai sinh cho trẻ sinh thứ 3 theo quy định.
Ban Tuyên giáo huyện Thanh Chương cũng có công văn yêu cầu lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo xã Võ Liệt kiểm tra, thực hiện theo luật định để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.
Như Tuổi Trẻ thông tin, nhiều hộ gia đình sinh con thứ 3 ở xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) phải “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh.
Có một số gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên dù con đã 4 tuổi, 7 tuổi vẫn chưa được cấp giấy khai sinh.
Đáng chú ý, có gia đình thuộc hộ cận nghèo nhưng con 4 tuổi không có tên trong sổ hộ cận nghèo do chưa có giấy khai sinh.
Tác giả bài viết: DOÃN HÒA
Nguồn tin: