Thế giới

Khát vọng của gái điếm ở thiên đường tình dục châu Âu

Được chia sẻ, được hòa nhập cộng đồng, là khát vọng của những cô gái điếm làm việc ở khu đèn đỏ Amsterdam, thiên đường tình dục châu Âu.


Một cô gái điếm nhìn ra cửa sổ có một người đàn ông đi qua ở De Waleen, Amsterdam. Ảnh: Humanityhouse

Mỗi tháng, hàng nghìn người tìm đến De Waleen, khu đèn đỏ ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan, nơi mệnh danh là thiên đường tình dục châu Âu. Khu phố kết nối bởi các lối đi hẹp, cầu nhỏ, và các kênh rạch. Du khách lang thang qua các quán cà phê, trong lúc những cô gái bán dâm đứng sau cửa sổ, nhìn ra phố, theo CNN.

Đây là nơi Toos Heemskerk-Schep bắt đầu sự nghiệp nhân viên xã hội, và lần đầu tiên tiếp xúc với nạn buôn bán người. Bà hiện là chủ tịch Not for Sale chi nhánh Hà Lan, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, chuyên giúp đỡ nạn nhân của chế độ nô lệ và bị bóc lột.

Kể từ khi Amsterdam hợp pháp hóa mại dâm năm 2000, thành phố đã cân bằng được tinh thần của chủ nghĩa tự do khi cho phép bán dâm công khai, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho người bán dâm hoạt động và hạn chế tội phạm.

Việc chỉnh trang đô thị đã gây tác động tốt. Bất động sản Amsterdam giờ là cục nam châm thu hút các nhà đầu tư. Số người hành nghề mại dâm ít dần. Tuy nhiên, trước khi hợp pháp hóa mại dâm, nơi đây từng rất tồi tệ, Heemskerk-Schep cho biết.

"Khi tôi bắt đầu sự nghiệp ở đây năm 1995, nơi này đầy gái mại dâm", Heemskerk-Schep nói. "Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng nổi lại có một nơi như thế này".

Quá khứ

Bà chỉ tay vào một dãy phố gần Nhà thờ cổ và nói:

"Chỗ đó đầy các cô gái Nigeria, tới từ bang Edo, miền nam đất nước. Họ phải è cổ trả 40.000 USD nợ bọn buôn người. Sau khi Bức màn sắt mở cửa, phụ nữ Đông Âu di cư vào Hà Lan tăng vọt. Chúng tôi thường trò chuyện với họ và tôi bắt đầu tìm hiểu hoàn cảnh của họ".

Heemskerk-Schep tiếp tục chỉ tay sang một con phố lân cận.

"Con đường phía sau tôi từng là nơi gái điếm Hungary hành nghề. Họ tiếp cận tôi, chia sẻ với tôi việc bị buôn bán hay lạm dụng. Khi họ được cảnh sát cứu ra và đưa tới nhà an toàn, tôi tự hỏi, việc tiếp theo là gì? Làm thế nào để họ xây dựng lại tương lai lần nữa? Làm thế nào để họ học được kỹ năng tái hòa nhập xã hội?"

Heemskerk-Schep thất vọng và muốn giúp đỡ các cô gái điếm nhiều hơn chức trách của một nhân viên xã hội. Bà quyết định hợp tác với Quỹ Not for Sale. Họ lên ý tưởng mở một quán ăn thu lời, nơi những nạn nhân của bọn buôn người sẽ được đào tạo, cấp chứng chỉ và làm việc cùng chuyên gia.

Sau 4 năm lập kế hoạch, nhà hàng Dignita khai trương năm 2015 với phương châm: "Nấu giỏi, ăn ngon".

Heemskerk-Schep giới thiệu về nhà hàng Dignita. Ảnh: CNN

Nhà hàng xây dựng được một lượng khách hàng thân thiết, cung cấp thu nhập ổn định để giúp đỡ các cô gái điếm. Tới nay, khoảng 162 học viên đã tham gia khóa học nấu ăn.

Học viên tốt nghiệp không chỉ được cấp giấy chứng nhận, mà còn được tương tác với xã hội bình thường trong môi trường an toàn, giúp nạn nhân vượt qua được chấn thương tâm lý trong quá khứ, Heemskerk-Schep nói.

"Chỉ dạy nghề thôi không đủ", bà nói. "Khiến họ hòa nhập với cộng đồng ở đây là điều vô cùng quan trọng".

Hana là một trong số những học viên đã thành công. Cô gái trẻ đến từ Bắc Phi rất thích môi trường mới và thường xuyên pha trò với nhân viên ở đây. Trước khi tham gia đào tạo ở nhà hàng, hoàn cảnh của Hana khác hẳn.

Lúc mới tới Hà Lan, Hana phải làm người giúp việc và thường xuyên bị lạm dụng. Cô vừa khóc vừa nói nhà hàng Dignita đã cứu rỗi đời mình.

"Khi tôi chuyển tới nhà an toàn của chính phủ, mọi việc rất khó khăn", Hana nhớ lại. "Tôi luôn muốn tự sát, bản thân luôn cảm thấy trong người không chút sức lực".

"Lúc đó, tôi được hỏi có muốn học nghề không. Tôi không biết Not for sale dạy cái gì, nhưng vẫn quyết định tới xem thử".

"Sau khi xem thử, tôi thấy rất vui và tiếp tục quay lại. Tôi luôn hạnh phúc mỗi khi nấu nướng. Tôi cảm thấy mình như một bông hoa thiếu nước, nhưng khi bắt đầu học khóa đào tạo, tôi lại cảm thấy mình tràn trề năng lượng".

Khóa đào tạo đã giúp Hana tự tin và bây giờ, cô ước mơ trở thành đầu bếp.

Đứng dậy

Một trong những món đầu tiên học viên được dạy là nấu súp. Hai tuần một lần, súp sẽ được chuyển bằng xe đạp từ nhà hàng tới các quầy bán hàng của Dignita và trung tâm thông tin trong khu đèn đỏ. Từ đây, tình nguyện viên sẽ đem hàng giao cho những người bán dâm đã đặt trước.

"Món súp hay bất kỳ việc gì chúng tôi đang làm đều nhằm tạo cơ hội tiếp xúc với họ, tạo mối quan hệ thân cận để tìm hiểu hoàn cảnh họ", Heemskerk-Schep nói.

"Hiện tôi biết được có ba cô gái ở đằng sau những cánh cửa đèn mờ kia bị lạm dụng, buộc phải bán dâm. Mặc dù chúng ta đã có hệ thống pháp lý, nhưng nó không có nghĩa là bọn tội phạm đã chấm dứt hoạt động trong ngành này".

"Vẫn còn đó nhiều thiếu nữ bị lạm dụng, mà chúng tôi muốn được giúp đỡ và lên tiếng bênh vực họ".

Học viên là nạn nhân của bọn buôn người học nấu ăn trong nhà hàng. Ảnh: CNN

Heemskerk-Schep muốn mở rộng mô hình của Dignita ra ngoài Amsterdam để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người như Hana.

"Nếu có ai đó chìa tay ra và nói 'hãy đến đây với tôi và đứng dậy', bạn nên nghe theo", Hana nói. "Not for sale đã chìa tay ra cho tôi, còn tôi thì tin tưởng làm theo họ. Khi đó, tôi không đủ sức nhưng vẫn cố gắng. Bây giờ tôi không còn phải nằm liệt giường nữa. Hãy đứng dậy. Cảm giác này thật tuyệt".

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP