Sau 120 phút làm bài, đúng 10 giờ sáng nay, các thí sinh đã hoàn thành môn thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2018 - 2019.
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà |
Tại điểm thi của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, điểm thi có nhiều học sinh xuất sắc của Thành phố Vinh tham gia, có thể thấy học sinh khá thoải mái sau khi hoàn thành bài thi đầu tiên.
Nói về đề thi năm nay, thí sinh Trần Phúc Thọ cho biết: Đề thi khá dài so với thời lượng 120 phút. Tuy nhiên, em rất thích đề này, vì vừa bao quát được kiến thức của sách giáo khoa, lại vừa giúp học sinh thể hiện được năng lực và chính kiến của bản thân.
Đề thi của môn Ngữ văn năm nay gồm 2 phần, gồm phần Đọc - hiểu (2 điểm) và phần Tập làm văn (8 điểm).
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng hồi hộp với đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Thành Cường |
Ở phần đầu tiên, đề thi trích một đoạn trong bài viết “Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn” của tác giả Phạm Lữ Ấn: “Bạn có thể không bẩm sinh mà học giỏi, nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay, nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp, nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba, và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Thành Cường |
Dữ liệu của đề thi này, theo nhiều thí sinh không có sẵn trong sách giáo khoa. Nhưng đây không phải là một đề thi “lạ”, thậm chí rất nhiều thí sinh đã được ôn thi đề này.
Nhận xét về bài làm của mình, thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Tâm cho biết: Đề thi yêu cầu thí sinh nêu ý chính của đoạn trích và đây không phải là câu hỏi khó. Riêng em, thì nghĩ rằng, mỗi con người sinh ra là một cá thể độc lập và có những ưu - khuyết điểm riêng. Thế nên, thay vì tự ti, chúng ta phải tự hào về những điều mình đã có và biết phát huy ưu thế của mình.
Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà |
Về phần làm văn, câu hỏi “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” được rất nhiều học sinh thích thú. Thí sinh Nguyễn Thị Minh Ngọc (Trường THCS Lê Lợi) nói rằng: "Em đánh giá đây là câu hỏi khó, phân loại thí sinh vì đề thi này không có trong sách giáo khoa. Muốn làm được đề này thí sinh phải có những hiểu biết và trải nghiệm nhất định. Bản thân em nghĩ rằng, đề thi đề cao tinh thần hiếu học, nếu không biết thì đừng dấu dốt mà hãy mạnh dạn hỏi để tìm kiếm câu trả lời".
Trong buổi thi đầu tiên, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo có 86 thí sinh bỏ thi, 1 thí sinh vi phạm do đưa tài liệu vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Hoàng Mai.
Nhận xét về đề, cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh - giáo viên dạy môn Ngữ văn (Trường THCS Lý Nhật Quang - Đô Lương) cho biết: Đề thi năm nay hay, vừa tầm, bám sát cấu trúc Sở đã quy định. Đề vừa lấy được điểm cho học trò, vừa có phần khuyến khích tư duy sáng tạo học sinh, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Câu 1 ở phần Tập làm văn nói về sự xấu hổ là một câu ra theo cấu trúc đề mở, sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội sáng tạo trong việc phát triển vấn đề, triển khai bài làm. Ngoài ra, đề thi bao quát được chương trình học (ở phần Tập làm văn) tạo lối mở cho học sinh lựa chọn. Để làm tốt đề thi này, theo tôi, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi để có thời gian làm bài hợp lý, nắm được kỹ năng để làm từng phần và từng dạng bài, nắm vững tác phẩm. Tuy nhiên, để được điểm cao, học sinh cần biết phát huy tố chất của mình, nhuần nhuyễn kiến thức, kỹ năng và lập luận trình bày, có nhiều kiến thức xã hội. |
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An