LTS: Ông cha xưa có câu “Học, học nữa, học mãi” nhưng học để làm gì lại là một câu hỏi lớn không phải ai cũng nhận thức được một cách chuẩn xác.
Thầy giáo Trần Trí Dũng (một giáo viên ở Quảng Ninh) đã có bài viết bình luận tiếp về chủ đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/9/2016 có đăng bài viết "Học để làm quan hay học để làm giàu?" của tác giả Xuân Chiến, nổi lên một vấn đề cần giải đáp là mục đích học của con người để làm gì.
Góp phần trả lời câu hỏi này, xin được trao đổi, bình luận một số điều.
Học để làm gì?
Câu hỏi ấy tưởng chừng như hữu hạn nhưng khi suy ngẫm rộng ra, đó dường như lại là vô hạn.
Từ khi con người sinh ra, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng đều phải học.
Học ở trường lớp, học trong cuộc sống, học trong xã hội mà người ta thường nói là học trong trường đời.
"Suy cho cùng, bằng đại học không phải là tấm vé lên "chuyến bay vinh quang" (Ảnh: phapluatplus.vn).
Ở đây, xin dẫn ra một bài thơ của Bác Hồ rút trong tập “Nhật ký trong tù” (theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia):
Dạ bán
“Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân”.
Nửa đêm
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
(Nam Trân dịch).
Giáo dục đối với mỗi người thật quan trọng!
Thế hệ chúng tôi được sinh ra khi nước nhà đã thống nhất và hoàn toàn độc lập. Chúng tôi không biết đến chiến tranh và vì thế may mắn là được tiếp nhận một nền giáo dục được coi là đầy đủ và bài bản.
Ngẫm về sự học, trong cách nhìn của thế hệ đó, được sống trong một chế độ ổn định, một Nhà nước pháp quyền, theo định hướng giáo dục chung từ nề nếp và truyền thống gia đình cho đến hệ thống giáo dục của quốc gia, dân tộc.
Chính vì thế quan điểm về sự học và giáo dục của chúng tôi có thể khác với nhiều người, đặc biệt là lớp những người đi trước.
Người Trung Quốc có câu "Cái gốc sự học là học làm người", nền giáo dục của chúng ta luôn tiếp thu những văn hóa tinh hoa của nhân loại, vì thế cho dù ta không đồng ý với người Trung Quốc ở nhiều điểm, đặc biệt là về chính trị và hệ tư tưởng nhưng không thể phủ nhận quan điểm đạo làm người trên.
"Nhân tri sơ, tính bản thiện", cái gốc của sự học được bắt đầu từ đó, đúng như ý niệm của Bác Hồ trong bài thơ "Dạ bán" đã dẫn ở trên. Khi con người sinh ra, cha cho ta lí trí làm người còn mẹ là nguồn nuôi dưỡng ý chí đó.
Khởi nguồn sự học là vậy, vậy sự phát triển của nó là gì?
Đối với mục đích học để làm quan hay để làm giàu đều là những tư tưởng không đúng.
Các cụ nhà ta nói: "Học để ấm vào thân", ở đây ta cần chú ý một câu nói, cho dù ban đầu chỉ là một câu nói vui: "Phát triển của sự học là học để làm nhà (!).
Làm nhà ở đây bao hàm ba nghĩa: một là xây dựng một gia đình hòa thuận, ấm êm và hạnh phúc; hai là làm một ngôi nhà theo nghĩa gốc của từ này; ba là để trở thành những người có tri thức rộng về một lĩnh vực nào đó, thí dụ nhà sử học, nhà luật học, nhà sư phạm, nhà chính trị... Tuy là nói vui nhưng ngẫm ra ta cũng thấy đúng!
Bởi lẽ, ai muốn tìm một tổ ấm gia đình mà không phải học cách xây dựng? Có ai xây nhà mà không phải học? Cho dù là một cái nhà đơn giản với những yêu cầu kỹ thuật thông thường.
Và có ai muốn trở thành người có chức quyền mà không phải phấn đấu, học tập? Thậm chí còn phải học rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu nói như thế thì chưa thế bao quát hết được sự học, vốn là một phạm trù rất rộng lớn.
Sự học của người Việt Nam được biết đến nhiều từ thời phong kiến với sự ngự trị của các chế độ vương triều. Khi đó, giáo dục Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo, và những người học hành đỗ đạt đều ra làm quan.
Luật Việt Nam xác định mục tiêu việc học như thế nào?
Luật Giáo dục nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định:
"Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (điều 2).
Theo đó, đối với bậc học Mầm non, đối tượng đầu tiên trong giai đoạn chập chững đầu đời được thụ hưởng của nền giáo dục được xác định với mục tiêu là "giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một".
Tuy nhiên sự quy định này còn mang tính máy móc, buộc chúng ta phải nhìn nhận sự học và vấn đề giáo dục trong tổng thể của một hệ thống, đặc biệt là vấn đề này cũng cần phải xem xét khi Nhà nước đã có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Khi đó, sự học của người Việt Nam được xem xét, đánh giá trong một hệ thống đối với từng giai đoạn, từng cấp học và bậc học với những mục tiêu cụ thể.
Theo cách nhìn đó, sự học của người Việt Nam được xem xét trong tổng thể theo từng cấp độ mang tính hệ thống sau (điều 27 Luật giáo dục):
- Giáo dục Tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học Trung học Cơ sở.
- Giáo dục Trung học Cơ sở nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục Tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học Trung học Phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
- Giáo dục Trung học Phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục Trung học Cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học Đại học, Cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Những mục tiêu cụ thể đó của từng bậc học được đặt chung trong mục tiêu tổng thể của giáo dục phổ thông là:
"Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Theo đó, bậc học cao nhất của giáo dục Việt Nam là Đại học được xác định với mục tiêu là "đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Điều 39).
Tất nhiên, những mục tiêu này mang tính chất chung theo yêu cầu của giáo dục tổng thể của Nhà nước.
Cùng với những mục tiêu này, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã xác định:
"Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật".
Trước nhu cầu cần thiết phải đổi mới, Đảng ta đã xác định là:
"Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội" (Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI).
Theo đó, đối với giáo dục Mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1.
Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Đối với giáo dục Đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.
Đối với giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững.
Trên cơ sở đó, mục tiêu tổng quát của giáo dục Việt Nam là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Theo lộ trình đó, Đại hội XII của Đảng cũng xác định là:
"Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn".
Từ cách nhìn tổng thể đó sẽ giúp ta định hình về tư tưởng và có thể cho ta trả lời khái quát câu hỏi "học để làm gì"?
Ở đây, tôi chỉ xin nói gọn để chúng ta cùng tham khảo là: Học để ta hoàn thiện những nhân cách và phẩm chất nhân văn của con người, có nhận thức đúng đắn, tích lũy những tri thức cần thiết để làm việc và song hành với cuộc sống.
Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng