Trong tỉnh

'Hố tử thần' ở Nghệ An: Cần làm rõ nguyên nhân gây tụt nước ngầm

Ngày 1/8, UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã làm việc với Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ để xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng nứt nẻ, đứt gãy nhà cửa, giếng khoan khô cạn nước và sụt lún ruộng vườn của người dân tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp.

Theo báo cáo của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ, sau hơn 2 tháng triển khai truy tìm nguyên nhân bằng các phương pháp như: Khảo sát địa mạo, địa chất thủy văn, công tác trắc địa, quan trắc thủy văn, phương pháp địa vật lý và khoan thăm dò, hiện đơn vị này đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước khô cạn tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp.

Cuộc họp diễn ra sáng 1/8 tại UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Cụ thể, nguyên nhân hiện trạng trên là do địa hình địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ, nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ Đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực. Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.

Sau khi nghe báo cáo, UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ cần nghiên cứu kỹ hơn, xác định cụ thể hơn nguyên nhân dẫn đến sụt lún, nứt nẻ nhà cửa. Dù đã xác định nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm, nhưng nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm thì đơn vị này vẫn chưa xác định được.

Lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cũng đề nghị các đơn vị cần nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để ổn định đời sống cho nhân dân vùng sụt lún.

Sụt lún dưới nhà người dân xã Châu Hồng.

Trước đó, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng đại diện các ban, sở, ngành liên quan đã trực tiếp kiểm tra về tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, công trình tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp.

UBND tỉnh Nghệ An giao UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các doanh nghiệp, cá nhân tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm của các dự án liên quan trên địa bàn xã Châu Hồng. Tăng cường kiểm tra, theo dõi và có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Xã Châu Hồng nhìn từ trên cao.

Như Tiền Phong đưa tin, xã Châu Hồng có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Trong khi, toàn xã chỉ có 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học sinh. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2cm…

Địa bàn xã là một thung lũng, được bao quanh bởi những dãy núi, dưới núi là hệ thống hang cát tơ và suối ngầm. Phía Đông Bắc của xã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng, 2 mỏ quặng thiếc. Trong quá trình khai thác, có doanh nghiệp lắp đặt hệ thống bơm hút nước trong hang cát tơ dưới lòng đất sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác. Vị trí mỏ gần nhất cách khu dân cư khoảng 500m.

Tác giả: Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP