Giáo dục

Hiệu trưởng của năm và ông bố của năm

Từ câu chuyện thời sự vừa qua tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), tôi bỗng nghĩ tới 2 danh xưng: "hiệu trưởng của năm" và "ông bố của năm".



Hiệu trưởng của năm, đương nhiên, đó là bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Bà Ngọc đang khiến dư luận giận dữ vì bị nghi là đã ngồi trên chiếc xe taxi đâm gẫy xương đùi học sinh Trần Chí Kiên tại sân trường vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Đáng nói, theo thông tin hiện tại, bà Ngọc cũng bị nghi ngờ cùng cấp dưới tiến hành khảo sát và thông báo trên truyền thông một kết quả sai là 100% cán bộ, giáo viên, học sinh khẳng định không có ô tô vào sân trường.

Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc phân trần về việc không có xe taxi đâm phải cháu Kiên. Ảnh: Lê Văn - Vietnamnet

Ở thái cực ngược lại, ông bố của năm phải là ông Trần Chí Dũng, bố của em Kiên.

Ông nghe lời kể của con mình, tin con, và quyết liệt đấu tranh để tìm tới tận cùng của sự thật. Cuộc đấu tranh của ông bố ấy diễn ra, bất chấp con số trên truyền thông là 100 % chống lại Kiên. Để rồi, cho đến thời điểm hiện tại, những thông tin ủng hộ bố con Kiên ngày một lớn.

Ông Dũng chia sẻ khá thành thật trên truyền thông, rằng việc đấu tranh đi tìm sự thật của mình không xuất phát từ động cơ trả thù. Ông cho hay, nếu sau sự việc, những người có trách nhiệm đến nhận lỗi, gia đình cũng không làm khó dễ. Song, hành động "phủi" sạch trơn trách nhiệm, cùng hành vi lấy phiếu để áp đảo lời kể của Kiên khiến ông phải đi tới cùng.

Và, nếu mọi điều diễn ra như dư luận hình dung, hành động của ông Dũng không chỉ là đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Ông còn đang cố hết sức mình để dạy cho con bài học về lòng tin vào sự thật.

vu hoc sinh bi gay chan 1
Ông Trần Chí Dũng, bố của em Kiên. Ảnh: cắt từ clip

Những bài học này trường tiểu học Nam Trung Yên mà con ông theo học đã không làm được. Ngược lại, môi trường giáo dục này đã dung dưỡng những lời nói dối!

Hành trình chứng minh cho con thấy sức mạnh của lẽ phải của ông bố đến nay đã là 3 tháng. Hành động quyết liệt của ông đã được dư luận cộng hưởng. Hơn thế, từ chỗ con số khảo sát là 100% giáo viên, học sinh trong trường khẳng định không có ô tô vào trường, cục diện đã thay đổi trong những ngày qua.

Khoảng hai chục cô giáo trong trường đã lên tiếng về cuộc khảo sát này. Các cô cho rằng các cô không biết mục đích cuộc khảo sát. Đồng thời, có cả những giáo viên không tham gia khảo sát nhưng trường vẫn phát đi thông tin 100% đều "bỏ phiếu thuận" về việc không có ô tô vào trường.

Và, các cô cũng nói lên điều mà nhiều người trông đợi vào ngành giáo dục: Dù có bị đuổi việc, các cô cũng phải lên tiếng nói lên sự thật, bảo vệ sự thật và niềm tin vào sự thật trước các em học sinh.

Việc bước ra khỏi vòng an toàn bất chấp cường quyền của các cô giáo là mấu chốt để vụ việc sớm có kết quả cuối cùng. Hơn thế, đó là thành công lớn của người cha, ông Trần Chí Dũng. Qua hành động này của các cô, ông đã giúp cô giáo làm gương cho các em học sinh khác về lòng tin vào lẽ phải, dù người nói dối có quyền lực tới đâu, dù những đòn thù có thể khủng khiếp thế nào.

Hiện tại, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận Cầu Giấy chấm dứt việc điều hành đối với vị trí Hiệu trưởng và Hiệu phó vì hành vi thiếu trung thực.

Và, hình ảnh ông bố của năm đằng đẵng một mình bảo vệ niềm tin vào sự thật, bất chấp thông tin từ mọi ngả đều chống lại lời khai của con là gam màu sáng hiếm hoi giữa bức tranh u ám của câu chuyện.

Sau này, nỗi đau bị ô tô đâm giữa sân trường sẽ còn lưu mãi trong ký ức của Kiên. Nhưng, bài học về sức mạnh của lẽ phải từ bố cũng sẽ là hành trang quý báu cho em trên con đường dài dặc phía trước.

Tác giả bài viết: Phạm Mỹ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP