Bà Thành háo hức lắm, chuẩn bị tỉ mỉ đủ thứ từ trước đó mấy ngày liền. Cứ nghe tivi nói về vấn đề thực phẩm không an toàn trên thành phố mà lo ngay ngáy con cháu ăn uống không được đảm bảo. Vì thế, chuyến này bà lên, xách được bao nhiêu là bà xách hết. Nào thì bánh chưng ông bà mới gói, nào thì thịt lợn ngon mua nhà ông Mão đầu làng, nào thì khoai tây, cà chua, táo, cam… vườn nhà ông bà tự trồng. Thậm chí bà Thành còn muối 2 hũ dưa dành to mang lên cho con dâu để vào tủ lạnh ăn dần. Rau cải với hành bà cũng đều tự trồng cả, đảm bảo ngon và lành.
Con trai ông bà ra tận bến xe đón bố mẹ, cứ luôn miệng trách mắng ông bà cần gì mang lắm cho mệt thân. Nhưng ông bà chỉ cười. Mệt gì chứ, mấy khi được lên thăm con cháu đâu. Ông bà vui mừng, hồ hởi quá đến nỗi chẳng để ý đến ánh mắt không mấy thoải mái của con dâu khi nhìn đống đồ quê bố mẹ chồng mang lên: “Bố mẹ mang lên làm gì nhiều thế này, cần gì bọn con ra siêu thị mua là được. Giờ siêu thị cũng toàn bán những thực phẩm nguồn gốc rõ ràng, trồng theo tiêu chuẩn, bố mẹ không biết à?”.
Bà Thành mang hai hũ dưa hành ra, cười tươi bảo con dâu: “Này, mẹ làm đấy, lát nữa mang ra ăn thử xem có ngon không. Xong con cho vào tủ lạnh để ăn được lâu, để bên ngoài kẻo chua khú ra thì hỏng mất!”. Con dâu bà im lặng không nói gì, lẳng lặng cất hai hũ dưa hành bà Thành đưa. Đến bữa, bà cũng không thấy con dâu mang ra cho cả nhà ăn thử. Trong bụng cũng thắc mắc nhưng bà không mấy để tâm. Không ăn lúc này thì mai ăn, lo gì.
Trưa hôm sau lúc nấu cơm, bà Thành hỏi con dâu: “Này con, lọ dưa hành đâu nhỉ, mẹ lấy ra một ít ăn, thằng Chính (tên con trai bà) nó thích ăn món này lắm đấy!”. Con dâu bà ngừng một lát rồi chậm rãi trả lời: “Sáng nay con bỏ vào thùng rác rồi!”. “Cái gì?”, bà Thành thiếu chút nữa thì la lên. Sao lại có thể như thế chứ? Hai hũ dưa hành bà kì cạch làm, còn khệ nệ mang lên thành phố vượt cả trăm cây số. Thậm chí trên xe ô tô bà chỉ chăm chăm ôm chúng vì sợ chảy nước ra xe nữa!
“Mẹ muối dưa hành vào hũ nhựa không đảm bảo vệ sinh, ăn vào có hại cho sức khỏe nên con mới bỏ đi. Nhựa bây giờ toàn nhựa tái chế, đầy chất độc hại, sử dụng là bị ung thư ngay. Con là người nội trợ trong nhà, những kiến thức ấy con nắm chắc trong lòng bàn tay, và con cũng phải là người đảm bảo cho gia đình bữa ăn đủ chất mà an toàn. Lần sau mẹ đừng muối vào hũ nhựa nữa, chọn mua hũ thủy tinh hay sành sứ mà muối, mẹ nhớ nhé!”, thấy vẻ mặt nhăn nhó của mẹ chồng, con dâu bà Thành tường tận giải thích lí do cô làm vậy và còn không quên nhắc nhở bà một bài học chế biến thực phẩm.
Bà Thành đau đớn vì tâm huyết và tình cảm của mình bị con dâu vứt vào sọt rác không suy nghĩ, khi nghe con dâu còn “dạy đời” mình thì bực tức: “Tôi chẳng biết các anh các chị ăn uống khoa học, đảm bảo vệ sinh thế nào, nhưng cả đời ông bà bố mẹ đến đời chúng tôi đều ăn như thế đã thấy ai bị làm sao đâu! Chị làm thế có khác gì hắt nước vào mặt tôi cơ chứ!”. Cô con dâu phố của bà liền đính chính lại ngay: “Sao mẹ lại cố tình suy diễn mọi chuyện theo hướng tiêu cực như vậy? Con chỉ muốn góp ý cho mẹ thôi, chứ có ai dám hắt nước vào mặt mẹ!”.
Bà Thành tức quá rồi, bà không thèm nói gì nữa, thở phì phì ra gọi chồng thu xếp hành lí quay về quê ngay lập tức. Con trai bà thấy thế thì hốt hoảng hỏi lí do, bà vẫn chẳng nói chẳng rằng. Con dâu bà lúc này mới ra thuật lại cho chồng mọi chuyện. Con trai bà nghe xong tức quá quát lên: “Sao em lại quá đáng như vậy?”. Bà Thành chán nản: “Thôi, đừng cãi nhau vì cái chuyện nhỏ đó, cho qua đi con ạ. Nhưng bố mẹ muốn về ngay bây giờ, con đưa bố mẹ ra bến xe bắt xe!”.
Ngồi trên xe về quê, ông bà Thành buồn rầu đến chẳng muốn nói chuyện với nhau câu nào. Mới hôm qua lên thì hồ hởi, phấn khởi là thế, hôm nay đã ỉu xìu quay về. Cứ cho là hộp nhựa không tốt bằng hộp thủy tinh, nhưng cô con dâu phố của bà có cần phải làm như thế không? Bà càng nghĩ mà càng thấy buồn đến tê tái cõi lòng…
Tác giả bài viết: Sen Trắng
Nguồn tin: