Trong tỉnh

Hàng chục hồ chứa ở Nghệ An xuống cấp, báo động trong mùa mưa lũ

Hàng chục hồ, đập ở Nghệ An bị hư hỏng, xuống cấp sau hàng chục năm trời đưa vào vận hành khai thác. Trong đó, có 14 hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa mất an toàn trong mùa mưa bão.

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập lớn nhất cả nước với 1.061 hồ đập. Trong đó có 98 hồ đập chứa nước lớn được giao cho các doanh nghiệp quản lý, số còn lại được giao cho các địa phương.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An, đợt mưa lớn hồi cuối tháng 9/2021 đã khiến 59 trong tổng số 98 hồ đập do doanh nghiệp quản lý đã đầy nước; 8 hồ đạt dung tích 50-70%. Hơn 900 hồ chứa nước nhỏ do địa phương quản lý cũng đã đầy nước.

Hàng trăm người dân địa phương được huy động gia cố đập Bàn Vàng bị vỡ

Tháng 9/2021, một đoạn thân đập Bàn Vàng (xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) bất ngờ bị vỡ một đoạn dài sau trận mưa lớn. Hàng trăm người dân địa phương đã phải trắng đêm đóng cọc, vác đá hộc gia cố thân đập này.

Theo lãnh đạo xã Tiến Thành, đập Bàn Vàng được xây dựng từ hàng chục năm trước, chủ yếu đắp bằng đất, qua thời gian nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể do tại vị trí cống của đập bị xói, cộng thêm tổ mối lâu ngày phía trong thân đập đã khiến đập bị vỡ khi lượng nước đổ về nhiều.

Hồ Khe Thị nằm ở xã Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có diện tích 6,3ha, dung tích trữ 2,5 triệu m3 được người dân ví như một “bom nước” trên đầu mỗi mùa mưa bão. Sau gần 50 năm đưa vào sử dụng, phần mái thượng lưu bị sạt trượt, đứt gãy tại nhiều điểm, bờ tường chắn sóng phía trên thân đập tại nhiều vị trí bị sụt lún, đổ sập. Nước thấm ra nhiều ở mái hạ lưu. Đặc biệt phần tràn xả lũ của đập hồ Khe Thị đang còn tạm bợ, đã bị xói lở mạnh.

Tràn xả lũ của đập hồ Khe Thị bị xói lở

Ông Ngô Trí Chính, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam cho biết, đập hồ Khe Thị từng đe dọa vỡ trong đợt mưa lớn năm 2020. Để cứu đập, người dân và chính quyền địa phương đã phải dùng máy hạ thấp phần tràn xả lũ.

“Hàng chục hộ dân sống dưới chân đập đã buộc phải di dời lên ngọn núi gần đó để trú ẩn. Cũng may sau đó mưa ngớt, tràn được khai thông nên không xảy ra sự cố. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và các đơn vị liên quan cần sớm nâng cấp, sửa chữa hư hỏng tại phần thân đập nhưng luôn nhận được câu trả lời thiếu nguồn vốn”, ông Chính nói.

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nhiều hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng. Đơn vị này cũng đã đề xuất bố trí hỗ trợ nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xung yếu dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025 cho 84 hồ chứa, với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng. Trong đó, 14 hồ thuộc diện ưu tiên cấp bách với kinh phí 172 tỷ đồng và 70 hồ ưu tiên hư hỏng, xuống cấp với kinh phí hơn 360 tỷ đồng.

Đập Bàn Vàng được gia cố tạm thời bằng đá hộc, đất sau sự cố vỡ thân đập

Trong số này, hiện nhiều hồ, đập đã bị sạt trượt mái thượng lưu, thấm nước ở mái hạ lưu, tràn xả lũ bị xói lở, hư hỏng toàn bộ công trình đầu mối hồ chứa…

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, phần lớn hồ đập ở Nghệ An đã được xây dựng trên 40 năm. Trung bình việc sửa chữa, nâng cấp một hồ đập nhỏ mất khoảng 10 tỉ đồng, hồ đập lớn phải hàng chục tỉ đồng. Kinh phí thiếu nên rất khó khăn cho các địa phương thực hiện nâng cấp, sửa chữa.

Tác giả: Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP