Thế giới

Guồng quay như chong chóng của các kỹ sư công nghệ Trung Quốc

Lịch làm việc từ 9h sáng đến 21h tối suốt 6 ngày mỗi tuần khiến các nhân viên công nghệ Trung Quốc thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi.

Bức ảnh ghép so sánh nhân viên công nghệ làm việc theo thời gian biểu "996" và bệnh nhân điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Wang Shichang làm việc 12 tiếng một ngày, 6 ngày mỗi tuần, bận rộn đến nỗi hiếm có thời gian dành cho người vợ mới cưới. Wang cho biết đã sụt hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu làm công việc lập trình viên 4 năm trước. Ở tuổi 28, năng lượng của Wang luôn ở mức thấp. Thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, mắt anh sưng lên và khô khốc. "Leo 4 tầng lầu giờ đây cũng khiến tôi thở dốc", Wang nói.

Wang cho rằng tình trạng sức khỏe đi xuống của mình bắt nguồn từ cái gọi là thời gian biểu "996", được ngầm hiểu là lịch làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày một tuần. Thời gian biểu "996" đang trở thành tiêu chuẩn bình thường đối với các công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc.

Chủ đề này đã làm bùng phát cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều tài phiệt và doanh nhân cho rằng nếu muốn thành công trong ngành công nghệ, áp lực và stress là thứ họ phải đối mặt. Jack Ma, nhà sáng lập đế chế thương mại điện tử Alibaba, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, hồi đầu năm bị chỉ trích vì tuyên bố tán thành xu hướng "làm việc không ngừng nghỉ" và gọi đó là "một phước lành".

Wang không đồng tình với Ma và anh cũng không phải người duy nhất. Hàng loạt người dùng trên Github, diễn đàn trực tuyến nổi tiếng cho giới công nghệ, đã bày tỏ sự bất mãn. Theo họ, làm việc quá sức sẽ dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Làm việc triền miên và làm thêm giờ quá mức suốt hàng thập kỷ là đặc điểm phổ biến trong ngành sản xuất của Trung Quốc. Nhưng nay, xu hướng trên đã mở rộng sang giới văn phòng.

Một khảo sát năm 2018 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Thống kê cho thấy người Trung Quốc có trung bình 2,27 tiếng thư giãn mỗi ngày, chưa bằng một nửa thời gian nghỉ ngơi của người dân ở Mỹ, Đức hay Anh. Theo một khảo sát của chính phủ về sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc, 1/2 trong 403 nhân viên công nghệ tham gia khảo sát nói họ luôn cảm thấy mệt mỏi. Số khác cho biết họ gặp phải vấn đề về thị giác, trí nhớ kém cùng các bệnh về cổ và cột sống.

Một nhân viên văn phòng Trung Quốc chợp mắt trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: Reuters.

Zhu, lập trình viên 25 tuổi ở Thương Hải, cho hay hầu hết nhân viên trong công ty anh làm việc đều mắc "hội chứng lưng phẳng" (cột sống bị mất đi đường cong tự nhiên), chủ yếu do tư thế ngồi không chuẩn gây ra. Theo anh, việc duy trì một tư thế ngồi chuẩn "gần như bất khả thi" khi bạn phải làm việc suốt nhiều giờ liền. Ngoài những triệu chứng về thể chất, Wang cho biết sức khỏe tinh thần của anh cũng bị ảnh hưởng.

"Căng thẳng ở nơi làm việc khiến chứng trầm cảm của tôi trở nên tồi tệ hơn nhiều và tôi đã phải đi điều trị", Wang nói và thêm rằng bác sĩ đã khuyên anh nên quản lý tốt công việc kết hợp với ngủ nhiều hơn, song Wang cảm thấy rất khó đánh đổi.

"Tôi và vợ thỉnh thoảng phải cắt ngắn giấc ngủ để làm những việc chúng tôi thích", Wang chia sẻ. "Tôi có thể ngủ vào cuối tuần, nhưng tôi muốn đặt báo thức dậy sớm để phân bổ thời gian cho những việc khác như xem phim hay nghe nhạc".

Twenty Wu, nhà phát triển phần mềm 23 tuổi làm việc cho một công ty thương mại điện tử Trung Quốc, cho hay anh cũng gặp phải những thách thức tương tự. "Tôi về nhà lúc 23h đêm vào những ngày trong tuần và leo thẳng lên giường đi ngủ. Tôi không còn năng lượng hay thời gian cho giải trí và học tập", Wu nói.

Jack Ma, nhà sáng lập đế chế thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Theo Xiang Yuanzhi, tổng biên tập tạp chí Internet Economy, một lý do khiến những người trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc cảm thấy họ bị đối xử không công bằng xuất phát từ sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế. Nhiều người có bằng cấp tốt nhưng công việc và mức lương lại không được như mong đợi. Ngoài ra, các lập trình viên không được tôn trọng và có địa vị xã hội ngang bằng những nghề nghiệp cường độ cao khác như giáo sư hay nhà khoa học, điều càng làm giảm cảm giác hài lòng của họ, Xiang giải thích.

"Công việc của họ nhàm chán và đơn điệu, chỉ tập trung vào các phần nhỏ của một dự án lập trình khổng lồ", ông nói. "Thật khó để có được cảm giác thỏa mãn. "Nói thẳng ra, lập trình viên không khác gì công nhân dây chuyền lắp ráp".

Trong 40 nhân viên công nghệ Trung Quốc mà CNN tiếp cận, rất ít người tìm kiếm trợ giúp từ dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nhân viên, thứ mà không nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cung cấp. Enoch Li, giám đốc điều hành một cơ sở tư vấn sức khỏe tinh thần cho các công ty ở Trung Quốc, cho biết theo kinh nghiệm bà quan sát được, sức khỏe tinh thần của nhân viên luôn nằm dưới cùng trong danh sách những điều khiến các công ty công nghệ lo lắng. "Đôi khi, họ không có đủ ngân sách để làm điều đó", Li cho hay.

Ngay cả với những công ty có chương trình hỗ trợ nhân viên, họ cũng chỉ duy trì một đường dây nóng, nơi đơn giản chỉ lắng nghe những phàn nàn của nhân viên mà không có bất kỳ lời khuyên hữu ích nào. Li cho rằng các công ty Trung Quốc quá tập trung vào "sự mạnh mẽ về cảm xúc" hay "kiên gan bền chí" mà quên không nói với nhân viên khi nào họ nên từ bỏ bộ mặt dũng cảm.

Tình trạng coi thường vấn đề sức khỏe tinh thần ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc rất nhiều công nhân không bao giờ thể hiện cảm xúc hay tìm kiếm sự giúp đỡ. Zhu đồng tình với ý kiến cho rằng vấn đề sức khỏe tinh thần dường như đang bị lãng quên. "Tôi có cảm thấy lo lắng nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình cần giúp đỡ từ một nhà trị liệu", anh nói.

Wang không may mắn như thế. Không nơi nào trong 5 công ty công nghệ mà anh từng làm việc có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Anh tự chẩn đoán bệnh của mình thông qua những video trên YouTube về trầm cảm hoặc đọc trên mạng. Wang cho biết anh vẫn phải chiến đấu với chứng trầm cảm nhưng đã tìm đến một bác sĩ tâm lý và uống thuốc. Anh cũng nghe nhạc để thư giãn và điều này thực sự giúp ích. Tuy nhiên, số giờ làm việc của Wang không thay đổi.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP