Giáo dục

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Dư thừa cử nhân sư phạm là điều đáng trách

“Dư thừa cử nhân sư phạm là điều đáng trách nhất. Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT có thể xác định được số học sinh và giáo viên của từng môn học và cấp học và biết được đào tạo bao nhiêu sinh viên sư phạm là đủ cho nhu cầu ấy”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Vừa qua tại Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, PGS.TS. Bùi Văn Quân, hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: “Dự kiến đến năm 2020 hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 người đối với tiểu học, 12.200 người đối với THCS và 16.900 đối với THPT (thừa khoảng 70.000 cử nhân).

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Việc các cử nhân, trong đó cũng có cả cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc, trước đó đã được cảnh báo khá lâu. Tuy nhiên, việc dư thừa cử nhân sư phạm là điều đáng trách hơn cả.

Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT cũng như các trường sư phạm hoàn toàn có thể xác định được số trường lớp cũng như số học sinh và giáo viên của từng môn học và cấp học mỗi năm cần bao nhiêu. Từ đó biết được đào tạo bao nhiêu sinh viên sư phạm là đủ cho nhu cầu ấy.

Chúng ta chỉ nên đào tạo số lượng vừa phải để phục vụ cho nhu cầu của các trường chứ không nên đào tạo quá nhiều như hiện nay. Nhất là sinh viên sư phạm được nhận những ưu đãi của Nhà nước như: Miễn học phí hay vay tín dụng cũng dễ dàng hơn thì việc nhiều người chọn ngành sư phạm cũng là điều dễ hiểu. Việc đào tạo quá nhiều mà không sử dụng hết gây tốn kém và lãng phí cả về thời gian và của cải của nhiều người”.

gs nguyen minh thuyet 1
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, nếu nói hiện nay chúng ta có thừa giáo viên không thì hiện nay chúng ta không thừa, cái chính là chúng ta thiếu cơ sở để cho các giáo viên làm việc. Ở một số thành phố lớn khi áp lực dân số đề nặng mỗi lớp vẫn dạy 40 thậm chí có lớp tới 60 học sinh. Những lớp ấy chúng ta có thể tách đôi hay tách làm ba đều được.

Ở các nước phát triển trên thế giới mỗi lớp chỉ dạy 25-30 học sinh. Vậy tại sao chúng ta không tách lớp để học sinh có điều kiện học tập một cách tốt hơn và giáo viên có chuyên môn cũng có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp?

Vấn đề đặt ra, các địa phương phải thực hiện theo đúng chuẩn của Bộ GD&ĐT. Nếu thiếu lớp chúng ta sẽ xây thêm lớp, bởi lẽ hiện nay các địa phương không thiếu đất để xây lớp còn chi phí thì đã có tiền phân bổ theo chỉ tiêu dành cho giáo dục của Chính phủ.

Bên cạnh đó, một thực trạng hiện nay là lượng giáo viên ở các thành phố lớn chưa có việc làm rất nhiều nhưng giáo viên ở vùng sâu, vùng xa lại thiếu. Vì thế Nhà nước nên tạo điều kiện hơn nữa để giáo viên có thể yên tâm cống hiến. Nhà nước cũng nên chú ý đến chính sách luân chuyển giáo viên sao cho hợp lý. Ví như những giáo viên đã từng phục vụ ở miền núi thì sau bao nhiêu năm họ có thể xin chuyển về miền xuôi.

Chúng ta cũng cần chú ý để tránh tình trạng miền núi và những vùng khó khăn chỉ có giáo viên trẻ cống hiến, còn những giáo viên có kinh nghiệm thì về hết thành phố lớn. Vậy Bộ GD&ĐT cần trao cho mỗi giáo viên những nghĩa vụ nhất định.

Ví như trong quá trình công tác của giáo viên thì mỗi người cần dành ra 5 năm để đến với những vùng khó khăn, chọn thời điểm nào là tùy mỗi người và không nhất thiết phải là những sinh viên trẻ mới ra trường. Chỉ có như vậy mới đảm bảo chất lượng mặt bằng giáo viên ở những vùng khác nhau để những người công tác ở nơi khó khăn không bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm nhất là ở bậc ĐH họ không phải chỉ hoạt động trong ngành giáo dục mà vốn kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể làm việc ở những ngành khác. Vì vậy, lớp trẻ chúng ta cần chủ động hơn nữa để tìm kiếm việc làm.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP