Tuy nhiên, một số cụm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này hiện vẫn đang còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Theo một số nhà đầu tư hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng và thu hút doanh nghiệp là 2 “rào cản” cần sớm được tháo gỡ.
Xử lý những dự án thiếu khả thi
Những năm trở lại đây, Nghệ An rất chú trọng phát triển cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tính đến đầu tháng 3/2025, trong tổng số 26 cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh, đã có 23 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 259 doanh nghiệp vào thuê đất đầu tư kinh doanh, với tổng mức đầu tư là 5.406 tỷ đồng.
![]() |
Công tác phát triển cụm công nghiệp ở Nghệ An vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. |
Các doanh nghiệp, cơ sở thuê đất, đầu tư kinh doanh đã tạo việc làm cho khoảng 25.689 lao động địa phương, nộp ngân sách hàng năm khoảng 375 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đang hoạt động đạt 75%, nằm ở mức cao so với các tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó là thực trạng đáng buồn tại một số cụm công nghiệp trên địa bàn Nghệ An khi vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt là vấn đề về đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Điển hình như cụm công nghiệp Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có quy mô quy hoạch đến năm 2030 là 63,17ha, do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thành Vinh làm chủ đầu tư, với tổng vốn dự kiến lên đến hơn 442 tỷ đồng. Tuy nhiên, cụm công nghiệp này hiện đang đứng trước đề xuất bãi bỏ, đưa ra khỏi phương án quy hoạch do không đáp ứng được tiến độ triển khai.
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay: Thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, một mặt Nghệ An tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Mặt khác, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, bãi bỏ cụm công nghiệp không còn phù hợp, thiếu khả thi ra khỏi quy hoạch.
Hiện tại, Tổ công tác của UBND tỉnh Nghệ An về rà soát chỉ tiêu phát triển công nghiệp do Sở Công Thương chủ trì giao cho các sở ngành liên quan và các địa phương làm thủ tục kiến nghị bãi bỏ cụm công nghiệp Hưng Đông 2, TP Vinh, quy hoạch diện tích 26,5ha và cụm công nghiệp Nghi Diên, huyện Nghi Lộc với diện tích quy hoạch 63,17ha ra khỏi phương án quy hoạch.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Ở góc độ nhà đầu tư, một số ý kiến cho rằng, tình trạng chậm triển khai thi công hạ tầng cũng đang xảy ra tại nhiều cụm công nghiệp khác do vẫn đang còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Hiện nay, một số dự án phải điều chỉnh quy mô đầu tư, chuyển sang địa điểm mới và mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ thu hồi đất lúa, giải phóng mặt bằng.
![]() |
Ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và đoàn công tác kiểm tra thực tế tại các cụm công nghiệp đang gặp khó khăn để đưa ra phương án tháo gỡ. |
Trong khi đó, vấn đề thuê đất trong cụm công nghiệp lại đang là bài toán pháp lý đầy nan giải đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp địa phương. Lấy ví dụ đơn cử như trường hợp của cụm công nghiệp Thượng Sơn, huyện Đô Lương mặc dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhưng vướng mắc trong việc thuê đất đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Nguyên nhân được lý giải là bởi, các thủ tục pháp lý liên quan chưa phù hợp với quy định hiện hành về thẩm quyền và trình tự thuê đất khi đơn vị chủ đầu tư là UBND cấp huyện. Điểm đáng nói, cụm công nghiệp này hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án như: Trạm trộn bê tông nhựa nóng, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và ứng dụng công nghiệp mới, nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu Thành Phát,…
Trước thực trạng trên, mới đây ông Phùng Thành Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra thực địa về thực hiện quy hoạch, phát triển một số cụm công nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc ở huyện Nghi Lộc và Đô Lương, đồng thời làm việc với các địa phương, nhà đầu tư để tìm phương án tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, công tác quản lý phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc và huyện Đô Lương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hạ tầng các cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư đồng bộ kịp thời, tạo điều kiện trong công tác hút đầu tư. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Chỉ ra một số vướng mắc khó khăn liên quan đến công tác quản lý, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đối với cụm công nghiệp Nghi Diên, giao Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo hướng phù hợp nhất.
Đối với các kiến nghị đầu tư từng cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, đối chiếu với quy hoạch giao thông, thủy lợi, hệ thống truyền điện để tránh xung đột. Các sở, ngành theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm tham mưu, kịp thời báo cáo UBND tỉnh về từng nội dung xem xét điều chỉnh, trường hợp cần thiết thì chấp thuận xem xét thay đổi chủ đầu tư cho phù hợp...
Ngoài ra, ông Phùng Thành Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An còn gợi ý thêm số phương án mới để nhà đầu tư xây dựng phương án sử dụng mặt bằng mới phù hợp với quy hoạch, định hướng của tỉnh. Về các nội dung, kiến nghị về thay đổi vị trí cụm công nghiệp hay chuyển đổi chủ đầu tư, đoàn công tác sẽ tiếp thu để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh.
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn