Xã hội

Giây phút hãi hùng ám ảnh nữ lao công trong cơn bão

"Giây phút hãi hùng đó vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ, vì chỉ cách vài phân nữa thôi là tôi bị miếng tôn đó cứa rách mặt”.

Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thanh Hoài (SN 1974 - công nhân môi trường thuộc tổ 12 khu Chùa Bộc, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nghề của chị ngày nào cũng "lặn ngụp" trong những đống rác hôi thối, giữ vệ sinh cho đường phố. Tuy nhiên, thứ họ nhận được là ánh mắt không mấy tôn trọng từ người đời.

Chị Thanh Hoài chuẩn bị dụng cụ trước khi vào giờ làm. Ảnh: Nhật Linh

Chị Hoài vào nghề năm 1997, đến nay chị có thâm niên 18 năm trong nghề. Theo chị, nghề quét rác dẫu nhọc nhằn nhưng giúp chị có thu nhập nuôi gia đình.

Chị hóm hỉnh nói về “duyên” đến với nghề: “Đây là nghề gia truyền nhà tôi” - chị giải thích: “ Bố tôi vốn là công nhân lái xe thu gom rác. Sau khi tôi kết hôn, 4 miệng ăn đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng. Cuộc sống khó khăn, tôi xin bố cho đi làm lao công”.

Bố chị thương con gái, không cho làm, vì ông hiểu những cơ cực của nghề này. Nhưng nhìn con gái khóc lóc ông đành đồng ý.

Chị Hoài chia sẻ, công việc của chị vất vả và ít người coi trọng.

Ca làm của chị thường bắt đầu lúc chiều tối cho đến nửa đêm. Sau khi thu gom khoảng 4 – 5 xe rác, đến 10 giờ tối chị cùng 2 đồng nghiệp khác tập trung lại quét đường.

“Làm nghề này, người ta không coi trọng mình đâu, nhiều thanh niên ít tuổi hơn con tôi toàn gọi “rác ơi”. Những lúc như vậy tôi thấy tủi thân ghê gớm” - Chị chậm rãi kể tiếp.

Vẫn theo lời chị Hoài, những công nhân môi trường bất kể mưa, nắng, gió bão vẫn phải lao ra đường làm. Ký ức hãi hùng khiến chị rùng mình mỗi khi nhớ lại là lần suýt chết hụt trong vụ mưa bão ở Hà Nội năm 2008.

Chị kể: “Lần đó, có bão đổ bộ vào Hà Nội, tôi làm ca ngày. Mưa giông kéo về, gió giật cây đổ đùng đùng. Đang lúi húi hót rác thì bất ngờ một miếng tôn sắc nhọn từ đâu bay ngang qua mặt. Giây phút hãi hùng đó vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ, vì chỉ cách vài phân nữa thôi là tôi bị miếng tôn đó cứa rách mặt”.

Chưa hết, khi đẩy xe gom rác trên trục đường Chùa Bộc, gió lốc quá mạnh, một gốc cây không “cưỡng” được sức gió đổ ập xuống. May mắn, cây đổ vào xe rác nên chị không hề hấn gì.

Sau vụ bão, nước ngập ngang bụng, chị và các công nhân trong tổ được huy động đi dọn dẹp. Mặc dù đã mặc 2 lớp áo mưa, đi ủng kín mít nhưng khi phải ngâm mình trong làn nước, chị vẫn cảm nhận được cái lạnh len lỏi, buốt lên tận xương.

Chị lóp ngóp làm việc trong hơi lạnh cùng mùi cống rãnh hôi thối bủa vây hàng tiếng đồng hồ. Đường phố ngập lụt, rác rưởi trôi lềnh phềnh, lượng rác nhiều gấp mấy lần ngày thường.

"Đẩy xe rác bình thường đã mệt rồi, đẩy xe với lượng rác thải lớn như vậy trong nước ngập thấy nặng kinh khủng. Có lúc tôi phải bặm môi, gồng mình mà xe vẫn không nhích được” - chị bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc nhọc nhằn của người công nhân vệ sinh môi trường.

Đã vậy, mỗi khi có xe ô tô đi qua, sóng đánh mạnh, bắn nước tung tóe vào người chị. Chị chới với không bám kịp vào xe, ngã sấp mặt xuống, nước xộc vào hết mồm miệng…

Chị nói, vui buồn trong nghề của chị nhiều lắm. "Vợ chồng chẳng mấy khi ăn bữa cơm với nhau. Sáng chồng đi thì vợ ở nhà, tối vợ làm đến tận nửa đêm mới về thì chồng ngủ rồi. Một năm chỉ có hôm nào mình ốm, may ra vợ chồng mới ngồi ăn bữa cơm với nhau. Mà mình ốm thì ít khi xin nghỉ, vẫn cứ cố đi làm đều…” -chị Hoài cười chia sẻ.

Bên cạnh đó, ý thức của những người dân cũng đôi lần khiến các chị phải thở dài ngao ngán.

“Những ngày cuối năm, công việc của những người gom rác càng vất vả. Tết người ta dọn nhà, cứ rình mang rác ra đổ trộm ngoài đường nên dọn mệt lắm. Có khi mình gom đến cuối đường, quay lại đã thấy đống rác đổ chình ình ở đầu đường rồi. Những ngày giáp Tết, công nhân chúng tôi có khi phải làm đến 3 giờ sáng mới xong việc”.

Đôi lần chị cảm thấy buồn tủi vì bị người dân ý thức kém buông lời chửi bới. Gần đây nhất một người dân thấy xe rác đến nhưng họ vẫn vất rác ra đường. Chị nhắc nhở thì họ xúc phạm, nói “ mày ăn lương thì phải làm”.

Chị Hoài chia sẻ thêm, đặc thù của nghề quét rác đêm là khi mọi người đi ngủ thì mình vẫn làm. “Mùa rét người ta đắp chăn, quây quần bên chồng con. Mình phải ở ngoài đường. Tôi nhớ trận rét kỷ lục đầu năm 2016. 12 giờ đêm trời lạnh buốt, nhiệt độ hạ thấp, hai bàn tay tôi lạnh cứng lại, không thể đẩy được xe. Chị em trong tổ phải gom củi khô đốt một đống lửa nhỏ cho ấm áp rồi mới tiếp tục công việc”.

18 năm cần mẫn với công việc của mình, chị Hoài tâm sự, vì tính chất công việc nặng nhọc nên sức khỏe của chị cũng bị giảm sút nhiều. Đặc biệt là gặp vấn đề về cột sống, thấp khớp. Những ngày trái gió, trở trời lưng và chân đau nhức đến phát khóc.

“Lần tôi bị đau lưng, vẫn cố đi làm. Tôi đẩy xe đến gần cổng bệnh viện Thái Hà, gặp dốc, vướng viên gạch, cả người và xe rác đổ nhào xuống đất.

Tôi loay hoay để gom rác lại vào thùng xe, một số người dân tốt bụng thấy mình ngồi bệt xuống đất vì đau lưng, họ chạy ra gom vào giúp.

Tính ra tôi phải 7 năm nữa mới được về hưu nhưng không biết tôi có trụ được đến lúc đó không” - nữ công nhân môi trường trải lòng.

Tác giả: Nhật Linh - Minh Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP