Giáo sư Phan Ngọc, nhà trí thức lớn của đất nước, ông sinh năm 1925 tại Yên Thành, Nghệ An trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng, học thuật, cha của ông là thượng thư Phan Võ.
Giáo sư được đào tạo trong môi trường giáo dục của Pháp, nhưng sau đó ông theo kháng chiến. Lúc sinh thời ông chia sẻ với phóng viên rằng: "Ngoại ngữ của tôi chủ yếu là tự học mà có".
Giáo sư là một trong những người đặt nền móng cho ngành ngôn ngữ Việt Nam. Ông giảng dạy ngôn ngữ học tại Đại học Sư phạm Hà Nội từ những năm 1950.
|
Giáo sư Phan Ngọc - nhà trí thức lớn của dân tộc (Ảnh: Tư liệu) |
Kiến thức của giáo sư Phan Ngọc rất đa dạng, thập niên 80 đến đầu những năm 90, ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Thời kỳ đổi mới, giáo sư Phan Ngọc được biết đến như một nhà văn hóa với tư tưởng mới mẻ. Các công trình của ông như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994),.. được giới nghiên cứu, sinh viên rất yêu thích.
|
Các công trình nghiên cứu của giáo sư Phan Ngọc sẽ còn mãi với thời gian |
Giáo sư Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông thông thạo 5 ngoại ngữ La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia và có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái Lan và tiếng Campuchia.
Phan Ngọc dịch nhiều tác phẩm kinh điển như Thần thoại Hy Lạp; Chiến tranh và hòa bình (từ tiếng Nga), kịch Shakespeare (từ tiếng Anh), Sử ký Tư Mã Thiên và thơ Đỗ Phủ (từ chữ Hán), Triết học Hegel (từ tiếng Đức).
Chương trình Người đương thời, VTV3 từng làm chuyên đề về ông - người thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam
Công trình nghiên cứu Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2001).
Giáo sư Phan Ngọc đã ra đi ở tuổi 96, nhưng những công trình nghiên cứu hết sức công phu của ông, những đóng góp của ông với văn hóa Việt Nam sẽ còn mãi với thời gian.
Tác giả: Trần Nguyên Anh