Trong tỉnh

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Hôm (27/7), Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã đi khảo sát, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn tỉnh.

Cùng đi trong đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hào phát biểu

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hào đã báo cáo tiến độ thực hiện Dự án trồng rừng thay thế; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án; những khó khăn, tồn tại của Dự án; đề xuất kiến nghị của địa phương và các cơ quan hữu quan.

Dự án Hồ Chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/01/2006; Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ.BNN-XD ngày 26/5/2009; điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư tại các Quyết định số 2749/QĐ.BNN-XD ngày 28/6/2017; số 2464/QĐ.BNN-XD ngày 27/6/2019.

Về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 với tổng diện tích chuyển đổi là 1.131,22ha (rừng phòng hộ đầu nguồn 312,95ha; rừng sản xuất 661,08ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 157.19ha) trên địa bàn 02 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổng diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng là 544,77ha. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 360,12ha. Phần còn lại là 184,65ha chưa có Quyết định chuyển đổi, đang chờ Bộ NN&PTNT bố trí tiếp nguồn kinh phí trồng rừng thay thế và chuyển đổi theo tiến độ thi công công trình.

Về tình hình thu nộp nguồn kinh phí trồng rừng thay thế, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền trồng rừng thay thế tại Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 16/3/2021. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 544,77 ha, tương ứng tổng số tiền trồng rừng thay thế phải nộp là 36.237.150.000 đồng...

Đoàn công tác khảo sát vị trí trồng rừng thay thế tại huyện Quỳnh Lưu

Về tình hình phân bổ và kết quả thực hiện trồng rừng thay thế, căn cứ vào phương án trồng rừng thay thế đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 16/3/2021, nhu cầu trồng rừng thay thế của các đơn vị chủ rừng và số tiền mà chủ đầu tư đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành 02 Quyết định phân bổ kinh phí trồng rừng thay thế cho các đơn vị chủ rừng để thực hiện trồng rừng thay thế với tổng số kinh phí 15.750 triệu đồng, để trồng 350 ha. Số kinh phí chưa phân bổ 4.250 triệu đồng.

Về kết quả trồng rừng thay thế, đến nay, các chủ rừng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán triển khai trồng 171,97ha tương đương với kinh phí 7.738,65 triệu đồng, diện tích còn lại các chủ rừng đang chuẩn bị hiện trường và cây giống vật tư triển khai trồng trong vụ thu năm 2021 và vụ Xuân năm 2023. Hiện nay, các đơn vị chủ rừng tiếp tục rà soát hiện trường xác định nhu cầu trồng rừng thay thế, qua kết quả tổng hợp và kiểm tra hiện trường, các chủ rừng đã đăng ký trồng rừng thay thế có thể tiếp tục phân bổ trồng vụ thu năm 2022 với tổng diện tích là 105,9 ha, tương ứng với kinh phí cần là 4.765,5 triệu đồng. Xấp xỉ với số tiền còn lại đã nộp chưa phân bổ 4.250 triệu đồng.

Đoàn công tác kiểm tra các khu tái định cư phục vụ ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng Dự án tại huyện Quỳ Châu

Đối với công tác thu hồi đất dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, trên địa bàn tỉnh có 170 hộ gia đình thuộc diện phải di dời tái định cư. Sau khi được bồi thường, hỗ trợ đầy đủ theo quy định của nhà nước, công tác sản xuất, đời sống đã ổn định và tiếp cận với các khu dân đã có các cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Hiện nay, UBND huyện Quỳ Châu đang triển khai xây dựng 02 khu tái định cư xen giắm là Khu 1 sau đập phụ 1 và Khu 2 ở Dốc 77. Khu tái định cư tại Dốc 77 (24 lô) đã thi công cơ bản hoàn thành và đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh lại độ dốc san nền của khu tái định cư cho phù hợp với địa hình thực tế. Khu tái định cư sau đập phụ 1 (75 lô) đã thi công đạt 40% khối lượng, đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tiếp tục thi công. Tổng giá trị giải ngân cả 2 khu đạt 29,169/37,599 tỷ đồng. Khi hoàn thành các khu tái định cư, UBND huyện Quỳ Châu sẽ bố trí cho các hộ dân vào ở theo quy định và đảm bảo tiến độ.

Đoàn công tác khảo sát tại Hồ chứa nước Bản Mồng

Hiện đang có khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để thực hiện Dự án. Dự án bắt đầu lập từ 2007, đến nay đã có nhiều thay đổi từ chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước có liên quan và phát sinh nhiều hạng mục vì vậy kinh phí thực hiện tăng lên và tiến độ hoàn thành bị kéo dài. Địa điểm thực hiện trải dài qua nhiều huyện thuộc hai tỉnh, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, nhiều hạng mục xây dựng thuộc hợp phần phải thi công trong điều kiện địa chất phức tạp, công tác xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện một số tồn tại trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến cao trình +71,86m. Tuy nhiên, Dự án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh. Do vậy, chưa có kinh phí để thực hiện đền bù, chi trả cho các hộ dân, đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện các hoạt động của Ban quản lý dự án và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cũng chưa có cơ sở để bố trí thực hiện.

Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng đã hoàn thành 95% phần công trình

Tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo với Quốc hội có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cho phép điều chỉnh dự án và bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019, trong đó xem xét mở rộng thêm đối tượng trồng rừng sản xuất, xem xét cho phép đầu tư hạng mục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng đảm bảo nâng cao chất lượng rừng, vừa đảm bảo được mục tiêu bù đắp, thay thế được diện tích rừng đã chuyển đổi, vừa đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là đối tượng rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Nghệ An trong thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hi vọng, với kết quả giám sát này, đoàn công tác sẽ báo cáo Quốc hội giúp tỉnh tháo gỡ những vướng mắc để đảm bảo tiến độ đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá: Các dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành, việc tăng vốn vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT có báo cáo chính thức về dự án này, thống nhất lại số liệu tại báo cáo; có đánh giá kết quả thanh tra, kiểm soát của các đoàn giám sát về dự án; rà soát kinh phí các dự án đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường yêu cầu tỉnh Nghệ An đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện dự án; ưu tiên kinh phí hỗ trợ tái định cư; báo cáo phương án trồng rừng thay thế, sơ đồ, vị trí.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP