Trong tỉnh

Giám đốc sở GTVT Nghệ An nói gì về… “cung đường chết”?

Để đầu tư xây dựng tuyến đường N5 (dư luận gọi là “cung đường chết”), tỉnh Nghệ An phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng hiện, tỉnh này đang nợ nhà thầu 528 tỷ đồng.

“Cung đường chết” sẽ không còn… chết?

Tại phiên chất phấn Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Kỳ ở kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra chiều 19/12, bà Đinh Thị An Phong, đại biểu HĐND huyện Nghi Lộc đề nghị làm rõ nguyên nhân xảy ra rất nhiều vụ tai nạn trên tuyến đường N5.

Đường N5 được mệnh danh là "cung đường chết"?

Đây là tuyến đường mà trước đó báo điện tử Người Đưa Tin có nhiều bài viết phản ánh, tuyến đường này trải dài từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đã được thông xe vào chiều 29/4/2017. Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này là trục chính kết nối các vùng kinh tế miền Tây Nghệ An với Khu kinh tế Đông Nam đến Cụm cảng Quốc tế Cửa Lò.

Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng “khai sinh”, tại tuyến đường N5 đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Tai nạn trên tuyến N5 nhiều đến mức người dân bản địa cũng như khách đi đường xem N5 như là “cung đường chết”?

Đại biểu Đinh Thị An Phong chất vấn.

Nói về tuyến đường này, Giám đốc sở GTVT tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ thừa nhận, để xây dựng đường N5, tỉnh đã bỏ ra đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện tại, dù tỉnh còn nợ nhà thầu 528 tỷ đồng nhưng đường N5 đã được đưa vào sử dụng.

Đưa ra những con số “khổng lồ” như thế, ông Nguyễn Hồng Kỳ mong muốn hội đồng cũng như cử tri thông cảm vì đây là tuyến đường kinh tế rất quan trọng của tỉnh Nghệ An. Đối với giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến đường này, ông Kỳ cho rằng, điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành của người dân tham gia giao thông.

“Giờ nói một ngành nào để tham gia giảm thiểu TNGT là rất khó. Hiện, sở cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống gần 3.290 cọc tiêu, 356 biển báo, sơn gờ giảm tốc 19 cụm trên 28,5km, lắp nhiều đèn vàng cảnh báo… với tổng kinh phí gần 48 tỷ đồng trên tuyến đường N5. Nói như thế để thấy lượng tiền bỏ ra rất lớn, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân tham gia giao thông tại các điểm giao cắt”, ông Nguyễn Hồng Kỳ nhấn mạnh.

Vẫn còn 161 điểm giao cắt trái phép

Trước đó, tại phiên chất vấn, Giám đốc sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ cũng cho biết, dù đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, nhưng năm 2017, TNGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn ở mức cao. Chỉ trong 11 tháng (từ ngày 16/12/2016 - 15/11/2017) đã xảy ra 271 vụ TNGT, làm chết 171 người, bị thương 208 người.

Giám đốc sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ trả lời chất vấn.

Trước tình hình TNGT như thế, đại biểu HĐND huyện Nghi Lộc Đinh Thị An Phong cũng lo lắng khi rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra là ở giữa các điểm giao như đường sắt, đường bộ với nhau và đường dân sinh đi qua. Sở có giải pháp gì?

Trước băn khoăn này, người đứng đầu ngành Giao thông Nghệ An trả lời, năm vừa qua, sở cũng đã vào cuộc rất quyết liệt để xử lý bất cập tại các điểm giao cắt. Đơn cử như đã xây lắp cụm gồ cưỡng bức tốc độ tại 20 đường ngang dân sinh, lắp đặt 6 điểm gác chắn tự động tại các đường ngang trọng điểm. Ngoài ra, cũng đã đóng 39 đường dân sinh trái phép, 2 đường ngang và thu hẹp 63 lối đi dân sinh để hạn chế ô tô đi qua. Đặc biệt, ngành cũng đã bố trí cảnh giới tại một số đường ngang, cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại tất cả các đường đi dân sinh và cắm biển cấm ô tô tại 53 lối đi dân sinh...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Kỳ cũng thừa nhận, hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 161 đường giao cắt trái phép đối với đường sắt. Để hạn chế TNGT tại các điểm này, sở đã chỉ đạo làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo để hạn chế tốc độ khi qua khu vực đường sắt. Riêng về đường bộ, đối các đường giao cắt, ngành cũng đã lắp đặt nhiều biển báo cũng như gờ giảm tốc đối với đường giao cắt trái phép...

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP