Trong tỉnh

Giá hành tăm Nghệ An giảm mạnh, khó khăn đầu ra

Vựa hành tăm ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An hiện đang vào vụ thu hoạch. Mặc dù được mùa nhưng nông dân không mấy phấn khởi vì giá thu mua loại nông sản này giảm sâu so với những năm trước.

Với gần 300ha diện tích trồng hành tăm, huyện Nghi Lộc được xem là vựa hành tăm lớn nhất tỉnh, trồng tập trung chủ yếu tại 4 xã: Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Hoa. Theo chính quyền địa phương, nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở huyện Nghi Lộc thoát nghèo nhờ hành tăm. Hành ở đây được xem là có chất lượng cao bởi theo bà con trồng hành, do đặc tính thổ nhưỡng nên hành tăm Nghi Lộc được ưa chuộng trên cả nước. Tuy nhiên, không chỉ năm nay, mà từ mấy năm trước người trồng hành Nghi Lộc vẫn loay hoay mãi với điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Củ hành to, sáng bóng nhưng vẫn rất ít thương lái đến thu mua

Rút kinh nghiệm các năm trước, khi thương lái còn thu mua, bà con đã tập trung thu hoạch hành để bán cho kịp, lỗ cũng bán. Mặt khác, phải thu hoạch kịp thời vụ để còn chăm sóc cây ngô, cây lạc, cây rau cải đã trồng xen trong hành từ trước để bù đắp phần nào chi phí.

Ông Nguyễn Sỹ Cương (56 tuổi) - một hộ dân trồng hành ở xã Nghi Lâm cho biết: Một sào hành bà con phải chi từ 8-10 triệu đồng cho giống, phân bón, rơm rạ, trấu… sau 8 tháng cộng với công chăm sóc đến kỳ thu hoạch. Năm nay, giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu vào chăm sóc cây hành cũng tăng theo.

“Hai năm nay hành rớt giá liên tục. Vụ hành tăm năm ngoái thua lỗ nặng, mỗi sào hành người dân phải bù lỗ 4-5 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Dù tất cả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá vẫn rất thấp. Tính ra 1 sào hành, nếu 1 người thì phải mất cả tháng mới thu hoạch xong. Sau đó còn phải phơi khô, ngắt rễ sạch sẽ mới đưa đi bán. Giá bán hiện tại chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg nên nông dân vẫn lỗ nặng”, ông Cương nói.

Dù đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm nhưng trên các cánh đồng chuyên canh loại củ này vẫn vắng bóng người

Là một tiểu thương chuyên thu mua hành tăm giúp bà con trong vùng, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Năm ngoái đầu vụ giá hành ở mức 20.000 đồng/kg, chính vụ giảm mạnh còn 15.000 - 16.000 đồng/kg. Thế nhưng đến cuối vụ hành càng rớt giá thê thảm, có thời điểm, 1kg hành chỉ còn 10.000 đồng nhưng vẫn phải chấp nhận. Ra Tết, hành chính vụ cung vượt quá cầu, các đầu mối ngừng thu mua nên chúng tôi chỉ thu gom hành tăm cầm chừng giúp bà con. Hơn 20 năm trong nghề thu gom hành, chưa thời điểm nào thấy giá hành lại thấp như mấy năm nay…”.

Hiện tại, giá hành tươi tại ruộng là 15.000 đồng/kg, hành đã khô, sàng sảy sạch sẽ có giá 16.000 - 18.000 đồng/kg. Mức giá này được cho là rất thấp song thương lái vẫn đang thu mua cầm chừng.

Không thể phụ thuộc hết vào thương lái, nhiều hộ đã xoay xở tìm cách tiêu thụ qua mạng xã hội, chở đi bán lẻ tại các chợ dân sinh, kết nối với các công ty chế biến lươn khô, hành khô để bán, gửi xe nhờ người quen ở các tỉnh khác bán hộ… Tuy nhiên, với số lượng lên đến hàng nghìn tấn nên kênh tiêu thụ nhỏ lẻ này chẳng thấm vào đâu. Điều người dân mong muốn là trước mắt, các cấp, ngành tìm cách tiêu thụ hành.

Hành tăm hiện có giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, vụ mùa năm nay nông dân vẫn lỗ nặng

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc - cho biết, bên cạnh nhiều xã trồng hành truyền thống giảm diện tích thì tại nhiều xã khác, người dân lại trồng hành tự phát nên diện tích hành tăm của huyện năm nay là 234ha (tăng 41,5ha). Về sản lượng năm ngoái cả huyện đạt 2.047,5 tấn/ha, năm nay dự kiến đạt 2.169,56 tấn/ha, tăng 122,06 tấn.

"Huyện cũng đã hỗ trợ, kết nối để người dân tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên do vào thời kỳ thu hoạch, sản lượng hành tăm nhiều nên giá cả có chiều hướng giảm nhưng vẫn ngang bằng với giá năm ngoái. Mức giá đang ngang bằng năm ngoái thì không gọi là rớt được, và đây cũng nằm trong quy luật bình thường của thị trường, khi được mùa thì sản lượng nhiều nên giá có giảm hơn lúc bình thường. Huyện cũng chỉ can thiệp được bằng việc định hướng, khuyến cáo nhưng người dân vẫn đang theo tư duy sản xuất nông nghiệp theo phong trào chứ chưa có tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhà nước chỉ đóng vao trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ kết nối cung cầu....", ông Hoà nói thêm.

Huyện Nghi Lộc hiện đang vận động bà con không nên mở rộng diện tích sản xuất hành tăm ồ ạt, nhằm bảo đảm cung không vượt cầu đồng thời kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, theo dõi sát thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP