Việc áp bậc tính giá điện và tăng giá điện của ngành công thương đang gây bức xúc trong dư luận - Ảnh: Internet |
Kỳ tăng giá điện vừa rồi nhiều mập mờ, cần làm rõ
Việc quyết định tăng giá điện từ ngày 20.3 vừa qua là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm, bày tỏ quan điểm của rất nhiều đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14. Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (30.5) về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời lên tiếng đề nghị phải công khai, minh bạch, công bằng, và cho rằng Kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc đối với kinh doanh ngành điện.
Tại phiên thảo luận, đề cập vấn đề tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Ninh Thuận) nói: "Từ thuở khai sinh ngành điện, giá điện theo quy trình bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng cái họ cần là công bằng, minh bạch và hợp lý".
Theo ông Cương, kỳ tăng giá điện vừa qua nhiều mập mờ cần làm rõ. Người dân có lý khi nghi ngờ tăng giá điện chỉ 8,36% là không chuẩn xác khi số tiền điện họ trả cho nhà đèn trong tháng đầu tiên nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3.
"Giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ quy định phải được lấy làm gốc dù chia 6 bậc hay 100 bậc. Tôi có hỏi một số chuyên gia thì họ cho rằng việc chia bậc bao gồm cả nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định của Chính phủ. Bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp chứ không phải người dân", ông Cương nhấn mạnh...
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng nêu ý kiến của cử tri cho rằng, lẽ ra khi kinh tế đất nước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng. Song thực tế, mức tiêu thụ điện của người dân hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, chỉ phù hợp với gia đình nghèo ở vùng khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: "Kỳ tăng giá điện vừa qua nhiều mập mờ cần làm rõ" - Ảnh: VPQH |
"Ngành điện thì cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói. Đại biểu này cũng đề nghị công bố công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của EVN.
Cần tránh tình trạng "té nước theo mưa"
Đồng quan điểm với đại biểu Cương về việc công khai kết luận thanh tra việc tăng giá điện, tính toán giá điện, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Bà Phúc đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao.
"Theo cử tri, việc tăng giá điện thời điểm này là không phù hợp. Mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được tính toán nằm trong lộ trình, nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra về tăng giá điện vừa qua như thế nào, có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri và nhà nước biết".
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt biến động thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa" - Ảnh: VPQH |
Cũng theo bà Phúc, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa, tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa", các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường.
Đề nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán nhà nước đối với mặt hàng điện
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu quốc hội Cà Mau Nguyễn Quốc Hận tham gia ý kiến về lộ trình điều chỉnh giá điện, vấn đề gây bức xúc cử tri thời gian qua. Ghi nhận việc đã có báo cáo về lộ trình điều chỉnh giá, Chính phủ khẳng định đã xem xét điều chỉnh theo đúng quy định, nhưng theo ông, vấn đề cử tri quan tâm không phải đúng quy định hay không. Ông nói cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới, việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
Vì việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đương nhiên chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm, qua đó là tăng giá, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và giảm sức mua của người dân.
Ở khía cạnh khác, ông Hận cho rằng trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân.
“Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, kiến nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này”, ông Hận nói.
Kết thúc buổi thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong buổi sáng có 27 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận và còn 68 đại biểu đăng ký phát biểu.
Ông Hiển đề nghị các đại biểu phát biểu sau lược bớt các vấn đề trùng lặp, tập trung vào các giải pháp cho năm 2019. Trong phiên thảo luận tiếp theo, mỗi đại biểu rút ngắn phát biểu xuống còn không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút, các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình, báo cáo thêm không quá 7 phút.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng thông báo chiều nay Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trả lời thêm về vấn đề giá điện và kiểm soát CPI, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.
Tác giả: Nam Phong
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới