Sinh viên tham gia chương trình trao đổi người học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ được công nhận môn học và tín chỉ tương đương tại 10 trường - Ảnh: THANH KIỀU |
Theo quy chế đào tạo trình độ đại học mới của Bộ GD-ĐT, sinh viên được đăng ký môn học ở các trường khác nhau để tích lũy tín chỉ.
Trao đổi sinh viên
Hiện nhiều trường đã ban hành quy định công nhận lẫn nhau về quy trình, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ làm căn cứ cho việc tổ chức các khóa trao đổi sinh viên.
Trong đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) là những trường đầu tiên thực hiện trao đổi sinh viên.
Theo PGS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chương trình này được ba trường ký kết thực hiện trong năm năm kể từ tháng 7-2022.
Ba trường cùng công nhận tín chỉ đối với các học phần tương đương của các chương trình đào tạo cùng ngành/chuyên ngành; cho phép sinh viên đăng ký tham gia các học phần trong chương trình giữa ba trường.
Theo thỏa thuận, ba trường trên sẽ tổ chức các khóa trao đổi sinh viên dài hạn và ngắn hạn. Các khóa dài hạn (một học kỳ tương ứng khoảng 20 tuần) cho phép sinh viên của các trường được đăng ký học tập/thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác.
Sinh viên đăng ký tối đa 15 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Sinh viên được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng với sinh viên của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập chuẩn.
"Hiện nhà trường đang sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trao đổi học tập giữa các trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xúc tiến thêm cho các trường hợp này" - PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết thêm.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) cũng đang triển khai chương trình trao đổi sinh viên một tháng (dự kiến từ ngày 26-6 đến 28-7) ở Phân hiệu UEH tại tỉnh Vĩnh Long.
Hơn 100 sinh viên đến từ 10 trường tham gia: UEH, Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Kinh tế - ĐH Huế, Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển.
TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng UEH - cho hay hoạt động này được thực hiện trên thỏa thuận chung của 10 trường đào tạo khối ngành kinh tế cả nước.
"Sinh viên tham gia chương trình được công nhận môn học và tín chỉ tương đương tại 10 trường. Chương trình học tập gồm: học tập chính khóa, sinh viên tham gia hai học phần trong chương trình đào tạo đại học tại UEH (học bằng tiếng Anh, sáu tín chỉ).
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được tham gia nhiều hoạt động khác như chương trình phát triển năng lực công nghệ; tham gia tour du lịch, trải nghiệm văn hóa, làng nghề, đặc sản… của miền sông nước vùng ĐBSCL; các hoạt động rèn luyện kỹ năng và giao lưu" - ông Hùng chia sẻ thêm.
Học ở trường khác tối đa 25% chương trình
Theo quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT, các trường được phép xây dựng và ban hành quy định về việc công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ.
Trên cơ sở đó, sinh viên của trường này có thể đăng ký thực hiện học một số học phần tại trường khác, nếu được hiệu trưởng của hai trường đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại trường khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Hiện các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện công nhận tín chỉ một số môn học trên cơ sở quy định công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường trong hệ thống đại học này. Sinh viên các trường và đơn vị thành viên có thể đăng ký học phần của trường khác trong hệ thống, sau đó nộp tín chỉ vào trường mình học.
Từ học kỳ I năm học 2022-2023, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cho phép sinh viên đăng ký môn khởi nghiệp kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế - Luật và môn tâm lý học nhân cách của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn làm môn tự chọn tự do cho tất cả các ngành đào tạo đại học chính quy ngoài các môn tự chọn đã ban hành trong chương trình đào tạo của trường.
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Bên cạnh việc công nhận tín chỉ lẫn nhau một số học phần giữa các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện trường chúng tôi và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã công nhận tín chỉ các môn học tương đồng".
Theo đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện trường chưa có quy định cụ thể về việc cho phép sinh viên học cùng lúc hai trường nhưng cũng không cấm. Thực tế có nhiều sinh viên đang học cùng lúc hai chương trình ở hai trường khác nhau, với những trường hợp này trường sẽ xét miễn các môn thể dục thể chất, giáo dục quốc phòng… nếu sinh viên đã tích lũy đủ tín chỉ các môn học này ở trường khác.
Ý kiến sinh viên Lê Kiều Nhi (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM): Quy chế đào tạo của trường quy định sinh viên đã đạt hoặc có điểm đạt một học phần ở một trường khác nếu muốn miễn học phần đó chỉ cần làm đơn kèm theo xác nhận về nội dung đề cương, số tiết học, số tín chỉ và điểm học phần để gửi cho trường vào đầu học kỳ. Điều này rất thuận lợi, giúp sinh viên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc khi học cùng lúc ở hai trường. Nguyễn Thanh Hải (sinh viên Trường ĐH Kiên Giang): Trường tôi có chương trình trao đổi người học với Trường ĐH Nha Trang. Sinh viên tham gia chương trình này được đến trường bạn để học tập hai học phần. Theo tôi, việc trao đổi người học giữa các trường tạo nhiều hứng khởi, thêm động lực học tập trong sinh viên. Tạo thuận lợi cho người học TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho rằng với quy định cụ thể về trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo đã tạo nhiều thuận lợi cho người học và cả các trường. Quy chế cho phép sinh viên có cơ hội được trải nghiệm môi trường học tập khác nhau, được giao lưu học hỏi với sinh viên trường khác, bổ khuyết những môn học mà trường khác có thế mạnh. "Tuy nhiên, thực tế hiện nay mỗi trường có mức độ tự chủ khác nhau khiến việc triển khai đào tạo chung còn hạn chế. Trong đó quan trọng nhất là sự khác biệt về học phí giữa các trường nên các hoạt động trao đổi người học vẫn chưa thu hút nhiều sinh viên", ông Nhân cho hay. |
Tác giả: TRẦN HUỲNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ