Giáo dục

Đưa trẻ ra khỏi thế giới ảo

Những ngày hè, nhiều bậc cha mẹ học sinh cảm thấy lo lắng trong việc quản lý, chăm sóc con cái. Một mối lo rất lớn chính là việc các cháu tìm đến các quán nét với những trò chơi điện tử (game). “Nghiện game” - đó là mối lo của phụ huynh đối với con cái trong dịp nghỉ hè dài ngày.

Sinh hoạt tập thể giúp cho trẻ có cuộc sống tinh thần vui tươi, lành mạnh.

1. Khoảng giữa tháng 6, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã khám cho 3 trẻ nghiện game. Mùa hè là thời gian rảnh rỗi nên các cháu chơi game nhiều, cũng là lúc lượng phụ huynh mang con đến khám tăng lên- theo các bác sĩ ở Viện này. Còn với các bác sĩ công tác tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương thì khi “nghiện game”, trẻ không hứng thú với các hoạt động và học tập như trước kia vẫn thích. Đáng lo ngại hơn là các cháu có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin...

Còn nhớ, năm 2018, tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một cái chết thương tâm, khi mà chỉ do tranh cãi về tên nhân vật trong game với “hung thủ”, một cậu bé 11 tuổi đã dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong.

Các bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết, đã từng có những vụ trẻ đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài và liên tục. Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới xếp “nghiện game” vào dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần điều trị chuyên khoa giúp các “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Đặc biệt, với các trò chơi bạo lực, sẽ tác động rất xấu tới tâm lý, thần kinh và cách ứng xử của các cháu.

Sau mấy tháng hè, nếu trẻ quá mê game thì sẽ quên đi rất nhiều kiến thức đã có được trước đó, cách mà dân gian vẫn nói là “chữ thầy lại trả cho thầy”. Khi vào năm học mới, trẻ nghiện game lại phải chật vật gây dựng lại thói quen học hành, sinh hoạt trước đó. Khó nhất là làm sao phải quên được những trò chơi mà mình đã “nhập tâm” tại các quán nét hay trên chiếc máy điện thoại cầm tay.

Thực tế cho thấy, không chỉ trẻ em ở thành thị mà cả trẻ em nông thôn, trong đó có trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng cao- cũng dễ bị cuốn hút vào game. Những quán nét mọc lên nhan nhản, tới mùa hè lại càng nở rộ cuốn hút lũ trẻ. Mối lo do đó lại càng tăng lên. Thời gian rảnh rỗi, không có bố mẹ, người lớn kèm cặp, quán nét chính là nơi lũ trẻ thường la cà nhất. Đặc biệt đối với trẻ nam từ 10 đến 15 tuổi. Các cháu chưa có ý thức về việc mình làm, cũng không tự điều chỉnh được hành vi, chơi mê mải nhiều giờ trong ngày dẫn đến kiệt quệ sức khỏe, nghiện game lúc nào không biết.

2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định nghiện game là một tình trạng bệnh tâm thần. Điều này dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn phải điều trị bệnh “nghiện game” ở nhiều nơi trên thế giới. Theo bác sĩ Shekhar Saxena- Giám đốc phụ trách về bệnh tâm thần và nghiện ma túy của WHO, rối loạn liên quan đến game là một vấn đề tâm thần mới. Các nghiên cứu cho thấy khi những người này mê mẩn với các trò chơi trên Internet, một số khu vực nhất định trong não được kích hoạt theo cùng một cách mà não của người nghiện ma túy bị ảnh hưởng khi dùng thuốc: trực tiếp và mãnh liệt. Trò chơi động đến niềm vui và phần thưởng, và kết quả cực đoan của nó là hành vi gây nghiện.

Tất nhiên, không phải ai, hay là đứa trẻ nào, đam mê game thì cũng đều bị nghiện. Nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc quản lý trẻ em khi tiếp xúc với game là việc làm rất cần thiết.

Cần quản lý tốt việc chơi game tại các quán nét đối với trẻ em.

Vậy, làm gì để “chữa bệnh nghiện game”?

Ngơ ngơ ngẩn ngẩn- đó là dấu hiệu dễ thấy của một đứa trẻ u mê vì trò chơi điện tử. Người ta gọi các cháu là “những đứa trẻ to xác”- vì cơ thể có thể to lớn nhưng nhận thức lại rất thấp so với độ tuổi. Chúng đã trở nên lệ thuộc vào game online, bị lệ thuộc vào Internet, đắm chìm trong thế giới ảo đến nỗi không cần biết đến thực tại.

Theo các bác sĩ điều trị, cùng với yếu tố sinh học thì yếu tố tâm lý đối với trẻ “nghiện game” nổi trội hơn. Trong khi chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này thì điều tốt nhất cho những đứa trẻ “nghiện game” chính là phải hướng tới cách giải quyết về tâm lý.

Theo giới chuyên gia tâm lý, khi thấy con em mình có dấu hiệu “nghiện game” thì phải áp dụng nhiều biện pháp, và phải kiên trì. Cụ thể như sau:

-Các bậc cha mẹ nên dành thời gian thích hợp mỗi ngày để chia sẻ với con về những giá trị thực của cuộc sống. Chính những định hướng này sẽ giúp con trẻ có ước mơ và mục tiêu cụ thể cho bản thân, tránh được việc sa đà và chơi game quá nhiều.

- Rất quan trọng là các bậc cha mẹ phải cùng con lên kế hoạch hay mục tiêu dài hạn. Hãy tập cho con trẻ thói quen sống có kế hoạch và thời gian biểu. Điều đó giúp các em tự nghiêm khắc với bản thân hơn.

- Trong trường hợp trẻ rất thích game, thì cần phải lên lên thời gian chơi cụ thể cho trẻ. Và lịch này phải được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là từ phía các bậc cha mẹ. Những cuộc chơi không thể kéo dài cả tiếng đồng hồ trong ngày, mà nên chỉ diễn ra mỗi tuần một giờ.

-Đưa trẻ tới những vùng đất mới, về quê… là cách rất tốt để tư duy của trẻ mở mang, trẻ sẽ thích thú trước những điều mới lạ, ấm áp của cuộc đời thực để tự có khả năng cân bằng với trạng thái sống trong “thế giới ảo”.

-Tạo ra những hoạt động vui chơi, giao lưu cũng là cách để giúp trẻ thoát khỏi sự vây hãm của thế giới ảo. Khi các cháu hòa mình vào các hoạt động (nhất là hoạt động tập thể) thì sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện rõ rệt.

Giới chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, đồng cảm, chia sẻ từ phía người lớn với những đứa trẻ mê game cũng là việc rất cần thiết. Lên án nặng nề, dùng hình phạt nặng với một trẻ “nghiện game” đôi khi lại đưa đến hậu quả không như mong muốn: đó là việc trẻ càng tự kỷ, có những hành động phản kháng đôi khi rất nguy hiểm.

Tác giả: M.Thảo (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP