Ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vối công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR).
Trong đó, Ban bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; Có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt cấp phép đầu tư”.
Chỉ thị đã nêu rõ, tuy nhiên, tại Nghệ An, dù bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” vào đầu năm 2018 khi mới vừa phát thông báo khởi công thì dự án Thủy điện Tiền Phong, huyện Quế Phong vẫn được thẩm định thiết kế kỹ thuật.
|
Cụ thể, vào nửa năm sau đó, sau khi Công ty TNHH 1TV Thủy điện Tiền Phong có tờ trình số 47/TĐTP vào ngày 9/7/2018 về việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án Thủy điện Tiền Phong, huyện Quế Phong thì vào ngày 2/8/2018, Sở Công thương Nghệ An do đích thân ông Hoàng Văn Tám ký về việc Phê duyệt hồ sơ Thiết kế kỹ thuật của dự án này dù dự án này đang vướng 4,75ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết: “Sở là đơn vị quản lý nhà nước về theo dõi, chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện. Trước đây trên địa bàn Nghệ An có 48 dự án thủy điện. Sau đó đã bỏ 16 dự án nên còn 32 dự án và hiện nay đã thu hồi 1 dự án nữa nên chỉ còn 31 dự án. Từ năm 2016 đến nay, Nghệ An chưa phê duyệt dự án thủy điện nào nữa. Sau khi có Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các dự án thủy điện được rà soát nghiêm ngặt. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên.
Ông Tám cũng cho rằng, Dự án Thủy điện Tiền Phong đang có liên quan đến đất rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. Không riêng gì Dự án thủy điện Tiền Phong mà 1 số dự án thủy điện khác đang vướng mắc, hoàn toàn không có khái niệm “phá nát” rừng tự nhiên. Theo Quy hoạch, các dự này có trước Chỉ thị số 13-CT/TW ra đời. Khi bị vướng mắc, các nhà đầu tư và cơ quan chức năng đã trình thủ tuc để xin ý kiến, phê duyệt của Thủ tướng. Nếu thủ tướng cho thì nhà đầu tư rất thuận lợi, nếu Thủ tướng không cho, hoặc cách xử lý như thế nào đó thì liên quan đến thẩm quyền của thủ tướng. Quan điểm của ngành về việc này là rất chia sẻ với nhà đầu tư. Đây là sự không may và rủi ro của các nhà đầu tư”.
Trong 1 diễn biến liên quan, được biết, Dự án thủy điện Tiền Phong là 1 dự án thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng trên diện tích đất rừng tự nhiên lớn. Đây là 1 trong 27 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được UBND tỉnh Nghệ An do đích thân ông Đinh Viết Hồng ký đề nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
|
Như tin đã đưa, sau khi phê duyệt bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An, vào tháng 7/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng mặt bằng công trình (tỷ lệ 1/2000) và quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu nhà máy và đập đầu mối Công trình thủy điện Tiền Phong, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An). Công trình do Công ty Cổ phần Prime Quế Phong làm chủ đầu tư (Đại diện chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong). Dự án nhà máy thủy điện có công suất lắp máy 6MW, với dự kiến tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng.
Dự án thủy điện Tiền Phong vướng 4,75ha đất rừng tự thiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong quản lý. |
Theo đó, Dự án thủy điện Tiền Phong được xây dựng trên quy hoạch là 8,5ha. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu được biết, trong số diện tích 8,5ha quy hoạch của dự án này có 4,75ha chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng dụng rừng và đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong quản lý.
Vào đầu năm 2018, Công ty TNHH MTV Thủy điên Tiền Phong đã có thông báo về việc Khởi công dự án thủy điện này đến UBND huyện Quế Phong và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An yêu cầu Chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. |
Song, ngay sau khi thông báo được phát ra đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cũng như kiên quyết yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định trước khi khởi công dự án, đặc biệt là liên quan đến Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: antt.vn