Xã hội

Đốt xe, đánh người, nghi bắt cóc trẻ em: Biểu hiện coi thường pháp luật

Từ những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra vì nghi người lạ bắt cóc trẻ em.

Ô tô của hai người đàn ông bị đốt cháy rụi ở xã Lạc Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương) do bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em.

Mới đây, hai phụ nữ bị đánh bầm dập ở xã Sóc Sơn (Hà Nội) vì nghi bắt cóc trẻ em. Trước đó, hai người đàn ông cũng bị đuổi đánh, đốt cháy xe ô tô vì nghi bắt cóc trẻ em ở Thanh Hà (Hải Dương). Từ những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra vì nghi người lạ bắt cóc trẻ em.

Thấy người lạ là nghi bắt cóc trẻ em

Ngày 22/7, nhiều clip, hình ảnh ghi lại cảnh người dân thôn Thái Phù (xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội) bao vây, hành hung hai phụ nữ lớn tuổi vì cho rằng họ bắt cóc trẻ em. Trong video, đám đông chửi bới, đấm đá vào đầu, và mặt hai phụ nữ. Lãnh đạo Công an xã Mai Đình cho biết, sau khi giải vây, công an xã phối hợp với công an huyện đưa hai phụ nữ đến bệnh viện huyện sơ cứu, lấy lời khai.

“Qua thông tin thu thập được, có thể khẳng định 2 phụ nữ làm nghề bán tăm. Không có chuyện họ bắt cóc trẻ em như tin đồn trên mạng”, ông này khẳng định. Một trong hai nạn nhân là bà Lê Thị Bảy, 40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Người phụ nữ còn lại là bà Nguyễn Thị Phúc, 52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, gia đình đã xin đưa bà Phúc về nhà tự điều trị.

Bà Phúc kể lại sự việc: Bà xin vào Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức khoảng 10 ngày. Sáng 22/7, bà bắt xe buýt từ nhà vào trung tâm thành phố bán tăm tình thương. Đến điểm xe buýt đầu cầu Chương Dương bà gặp bà Lê Thị Bảy rồi cùng về thôn Thái Phù (Mai Đình, Sóc Sơn) bán tăm.

“Khi hai chúng tôi đi bộ dọc bên đường làng, chị Bảy gọi một cháu bé đang chơi ở sân ra hỏi, mẹ cháu có nhà không? Rồi một bà cụ đi ra bảo không và xua chị ấy đi. Ít phút sau, có một người phụ nữ đi xe máy qua thấy chúng tôi liền bảo chúng tôi bắt cóc trẻ con nên đuổi ra khỏi làng”, bà Phúc nói.

Theo bà Phúc, sau đó, bà và bà Bảy ra bắt xe buýt đi bán chỗ khác nhưng lỡ chuyến. Trong lúc đợi xe thì người phụ nữ trẻ đi xe máy trước đó lại đến, kéo theo vài người, tiếp tục nói bà Phúc, bà Bảy bắt cóc trẻ con và lao vào đánh đập. “Họ lao vào đấm đá chị Bảy chảy máu mặt, sau đó một người dân can ngăn. Rồi họ quay sang đánh tôi, bảo tôi là đồng bọn”, bà Phúc kể.

Trước đó, đêm 20/7, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nhóm người tập trung quanh chiếc xe ô tô bị đập phá và bị đốt ở xã Lạc Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương). Nội dung đăng tải cho rằng người dân nghi hai người đàn ông đi xe ô tô vào làng có hành vi thôi miên bắt cóc trẻ em nên bị vây bắt, đập phá, đốt xe.

Công an huyện Thanh Hà sau đó xác định không có chuyện thôi miên bắt cóc trẻ em. Hai người đàn ông được xác định là anh Trịnh Minh Hải, 37 tuổi, quê Thái Nguyên, Giám đốc một Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong KCN Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) và lái xe Lê Văn Nam, 29 tuổi (trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Khoảng 18 giờ 20/7, anh Hải cùng anh Nam đi xe ô tô của Cty về quê vợ ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà chơi.

Khi tới khu vực thôn 3 Đồng Hới (xã Hồng Lạc) thấy có cửa hàng đồ gỗ, anh Hải bảo anh Nam dừng xe để xuống xem. Anh Hải đi một mình vào cửa hàng đồ gỗ của vợ chồng anh Phạm Đắc Bắc, và vợ là chị Lê Thị Quyên. Vào đến nơi, anh Bắc chỉ cho anh Hải sang kho hàng của gia đình ở gần đó để xem mẫu. Anh Hải vào kho thấy đóng cửa nên gọi điện theo số máy dán ở cửa kho, ít phút sau thì chị Quyên, chủ cửa hàng tới mở cửa cho anh xem đồ.

Anh Hải xem xong bảo chị Quyên ghi báo giá ra giấy. Chị Quyên đi ra phía trước cửa kho tìm bút thì thấy có cảm giác chóng mặt, lại liên tưởng tới các thông tin về thôi miên đọc trên mạng xã hội nên vội chạy sang nói với người phụ nữ hàng xóm “Thôi miên, thôi miên!”. Nghe vậy, người hàng xóm vội hô lớn “Chặn xe đó lại”. Mặc dù anh Hải đã cố gắng giải thích nhưng nhiều người không nghe mà bủa vây, đánh cả anh Hải lẫn người lái xe. Một số người quá khích đập phá, lật chiếc xe ô tô xuống ruộng, châm lửa đốt.

Phải xử nghiêm

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Văn phòng luật sư Đăng Khoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; quảng cáo tuyên truyền những điều bị cấm hoặc phát tán các thông tin giả mạo, sai sự thật. Các trường hợp phát tán thông tin sai sự thật về bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội là hành vi cung cấp thông tin giả mạo.

“Đây là hành vi bị nghiêm cấm, theo quy định tại điều 5 Nghị định 72 năm 2013. Nghị định 174 năm 2013 cũng có quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc. Tùy theo mức độ, nếu thông tin sai sự thật có tính chất xuyên tạc chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Nếu có tính chất kích động bạo lực, tuyên truyền phản động có thể bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng”, ông Khoa cho biết.

Nguy hiểm hơn, theo luật sư Khoa, các hành vi cung cấp thông tin giả mạo về việc bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội dẫn đến việc người dân bị kích động và có những hành vi trái pháp luật như bắt giữ, đánh người, hủy hoại tài sản, giết người.

Riêng vụ việc ở thôn Thái Phù (xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội), ông Khoa cho rằng, nếu nạn nhân bị thương tích nặng, đủ yếu tố thì phải xử lý hình sự. “Phải thấy rằng đây là một hành vi nguy hiểm, để lại hậu quả, có người bị thương tích. Nếu ở mức độ theo quy định của pháp luật có thể bị xử lý hình sự”, ông Khoa nói.

Dù nạn nhân không có yêu cầu thì cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm điều tra, vì đây là một hành vi nguy hiểm cho xã hội và cũng là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân. Còn vụ việc đánh người, đốt xe ở xã Lạc Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương), đương nhiên bị xử lý hình sự.

Tác giả: NHÓM PVTS

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP