Trong nước

Dôi dư hàng vạn cán bộ cấp xã

Theo Bộ Nội vụ, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022 - 2025 sẽ dôi dư gần 49.000 cán bộ, công chức cấp xã; gần 28.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Từ ngày 9 đến 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ họp phiên 23 cho ý kiến và thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.

Sắp xếp 52 huyện, 1.037 xã

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của ĐVHC, có 2 tiêu chuẩn để xét, gồm quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Cụ thể, đối với huyện miền núi, vùng cao, tiêu chuẩn về dân số là 80.000 người trở lên, diện tích tự nhiên là 850 km2 trở lên; đối với huyện khu vực khác, quy mô dân số từ 120.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên. Về cấp xã, đối với xã miền núi, vùng cao, tiêu chuẩn về dân số là 5.000 người trở lên, diện tích từ 50 km2 trở lên; đối với xã khu vực khác, dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 30 km2 trở lên.

Về tiêu chuẩn ĐVHC đô thị, cấp quận có dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích từ 32 km2 trở lên. ĐVHC cấp phường có diện tích 5,5 km2 trở lên; tiêu chuẩn dân số phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên, phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 7.000 người trở lên, phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên.

Để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC như giai đoạn 2019 - 2021, dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình UBTVQH đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định. Bên cạnh đó, những ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định cũng nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập trong 3 năm tới.

Bộ Nội vụ cho biết giai đoạn 2019 - 2021 đã giảm được 8 huyện và 563 xã nhưng đến nay đa số ĐVHC cấp huyện, cấp xã vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Bộ Nội vụ tính toán từ nay tới năm 2025, dự kiến có khoảng 52 ĐVHC cấp huyện và 1.037 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Dự thảo nghị quyết cũng khuyến khích việc sắp xếp ĐVHC không thuộc diện bắt buộc.

Công sở làm việc của xã Hoằng Xuân sau khi sáp nhập 2 xã Hoằng Xuân và Hoằng Khánh thành xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Thanh Tuấn

Đề xuất trợ cấp cán bộ dôi dư

Theo Bộ Nội vụ, phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 48.951 người, số hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư 27.972 người. Đối với số lượng dôi dư lớn như vậy, Chính phủ đã đề xuất nhiều chính sách đột phá, khá mạnh tay ngay trong 2 dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố sắp được ban hành.

Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay là 9.732 tỉ đồng. Theo Bộ Nội vụ, nếu không bổ sung chính sách này thì nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương đối với số cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên với số tiền dự kiến 19.464 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn của các địa phương, ngoài kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm, Chính phủ cũng đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ một lần. Cụ thể, trung ương hỗ trợ địa phương bổ sung cân đối với định mức 20 tỉ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã được giảm.

Về phía địa phương, từ kết quả thực hiện sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, UBND TP Hà Nội cho biết đang rà soát các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã dự kiến phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp; trường hợp sau khi cân đối còn chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã thì vẫn tiến hành tổ chức tuyển dụng.

Tại Thanh Hóa, giai đoạn 2019 - 2021 sau sắp xếp, số ĐVHC cấp xã giảm từ 635 đơn vị còn 559, tinh giản được 3.100 cán bộ, công chức cấp xã và trên 25.000 cán bộ không chuyên trách thôn. Về thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, cho biết hiện địa phương đang chờ UBTVQH thông qua nghị quyết, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch sắp xếp cho toàn tỉnh.

Tránh lãng phí tài sản công

Việc sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc của ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp là vấn đề rất được quan tâm, bởi giai đoạn 2019 - 2021 vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, khi nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của ĐVHC mới hình thành sẽ phải sử dụng trụ sở làm việc hiện có của một trong các ĐVHC cũ. Do vậy, tại một số địa phương, việc bố trí trung tâm hành chính chưa thật sự phù hợp, chưa bảo đảm thuận lợi cho công việc giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, ở các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, hầu hết các xã, thị trấn mới được thành lập đều duy trì sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã cũ do số lượng cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đông không thể bố trí về một trụ sở.

Bộ Nội vụ đánh giá một số địa phương còn ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở vì chưa tính toán được nhu cầu sử dụng công sở trên địa bàn trong giai đoạn sau này; lo ngại nếu thanh lý rồi thì khi có yêu cầu mới về trụ sở lại không đủ khả năng, nguồn lực để mua lại hay bố trí địa điểm mới có điều kiện tương đương. Mặt khác, quy trình xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương còn phức tạp, chưa giao quyền chủ động cho địa phương nên việc sắp xếp, xử lý còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất và thiếu hiệu quả. Một số địa phương chưa thật chủ động trong kiến nghị, đề xuất phương án xử lý tài sản sau sắp xếp, sáp nhập.

Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khi triển khai sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030. Theo ông Bình, việc chậm xử lý trụ sở, tài sản dôi dư sau sáp nhập gây lãng phí lớn. Do đó, ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần quy định thời gian phù hợp để xử lý sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC. Đồng thời, cũng đặt vấn đề nếu không thực hiện đúng lộ trình thì sẽ chịu trách nhiệm như thế nào. Về phía địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho rằng về mặt cơ sở vật chất như trụ sở khi tiến hành sáp nhập trước mắt có thể có lãng phí nhưng về lâu dài có thể sắp xếp được.

Khó sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư

Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, cho biết khó khăn lớn nhất khi thực hiện việc sắp xếp ĐVHC là xử lý nhân sự dôi dư. Trung bình một xã có 20 cán bộ, công chức, sau sáp nhập 2 xã thành ĐVHC mới thì có tới 40 người, trong khi theo quy định, mỗi xã chỉ có 20 cán bộ, công chức nên sẽ xảy ra tình trạng dôi dư, nhiều người phải nghỉ. Số cán bộ lớn tuổi, gần về hưu thì dễ, còn các cán bộ trẻ, có trình độ, phải xử lý như thế nào là vấn đề khó. Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần xem xét có chế độ, chính sách hợp lý để giúp các địa phương xử lý cán bộ dôi dư khi tiến hành sáp nhập.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP