Pháp luật

Đình chỉ trợ cấp 90 hồ sơ thương binh nghi giả: Nỗi lòng người trong cuộc

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có quyết định đình chỉ trợ cấp thường xuyên và mọi chế độ ưu đãi đối với 90 trường hợp Thương binh vì bị cho là hồ sơ không hợp lệ. Nếu 90 đối tượng này là thương binh giả thì việc đình chỉ là hoàn toàn đúng, còn nếu là thật nhưng do sai sót trong thẩm định hồ sơ thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc gây tổn thương tinh thần cho họ?

Đình chỉ trợ cấp của 90 thương binh giả ở Nghệ An
90 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh bị phát hiện

Theo Sở lao động thương binh và xã hội thì từ tháng 4-2016, đoàn thanh tra liên bộ của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra gần 23.000 hồ sơ thương binh trên địa bàn quân khu 4. Qua thanh tra có nghi vấn trên 1.000 hồ sơ, trong sô 106 hồ sơ không đảm bảo tính pháp lý để xác lập hồ sơ thương binh thì Nghệ An có 90 trường hợp. Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Phó phòng Người có công – Sở LĐ TB &XH cho biết: Qua kiểm tra của liên bộ phát hiện như vậy thì từ 1/9, chúng tôi đã phải ra quyết định đình chỉ việc chi trả trợ cấp hàng tháng đối với các trường hợp này, thông báo rõ với các đối tượng.

images1327113 anh sy duc1
Ông Võ Công Thành (người thứ 2 từ phải sang) ở khối 9 phường Bến Thủy – thành phố Vinh chia sẻ với PV NTV: Ngay sau khi bị đình chỉ trợ cấp thương binh, đã lặn lội về tận đơn vị cũ để xác minh lại thương tật của mình

Với việc ra quyết định đình chỉ 90 hồ sơ thương binh được xem là chưa hợp lệ, dư luận đang xôn xao liệu đây có phải là thương binh giả? Vì vào năm 2014, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng tổ chức thanh tra ngẫu nhiên 1.500 hồ sơ thương binh ở ba huyện Đô Lương, Hưng Nguyên, TP Vinh và phát hiện 195 hồ sơ bị làm giả, khai man và 51 hồ sơ có dấu hiệu làm giả để hưởng chế độ ưu đãi thương binh.

Bên cạnh đó, năm 2015 lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 1 trường hợp ở thành phố Vinh làm giả hàng trăm hồ sơ thương binh để nhận ưu đãi. ( Tư liệu về ông Đặng Hồng Tư (61 tuổi, thương binh hạng 1/4) tại phường Lê Mao (TP.Vinh) bị bắt cùng giấy tờ làm giả )



Ngay sau khi có quyết định đình chỉ trợ cấp đã có rất nhiều trường hợp phản hồi về sự việc này. Ông Võ Công Thành ở khối 9 phường Bến Thủy – thành phố Vinh là 1 trong 90 trường hợp bị đình chỉ trợ cấp lần này. Ngay khi có thông báo ông đã kiến nghị và tìm về đơn vị cũ để xác minh lại việc mình bị thương và mong muốn sớm đảm bảo quyền lợi của mình. Ông Thành nói: Chúng tôi là người thật việc thật, nên khi có sự việc trên tôi đã ra tìm lại đơn vị yêu cầu xác nhận lại để sớm được công nhận lại. Tôi có niềm tin vì mình đã đổ xương máu cống hiến cho tổ quốc và lý tưởng chứ không phải nhập nhèm.

2images1327114 anh sy duc7
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số người bị đình chỉ nhiều nhất trong đợt thanh tra vừa qua với 18 trường hợp

Theo thống kê thì huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số người bị đình chỉ nhiều nhất trong đợt thanh tra vừa qua. Toàn huyện có 18 trường hợp có thông báo đình chỉ trợ cấp chế độ ưu đãi. Ngay sau khi có quyết định, các xã đã gặp mặt các đối tượng để thông báo cụ thể. Nhiều người đã rất bàng hoàng khi tiếp nhận thông tin trên. Trong số đó phần lớn là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ông Trần Đức Liên ở xóm 1 xã Quỳnh Hậu là 1 trong số 18 người có thông báo dừng chế độ chi trả từ tháng 9 của huyện Quỳnh Lưu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin tinh thần của ông bị suy sụp. Với ông việc nhận trợ cấp trên 1 triệu đồng/ tháng không có ý nghĩa bằng danh dự mà Đảng, nhà nước trao cho nay lại bị tước bỏ. Ông Liên bày tỏ: Tủi lắm, họ không nói trước mặt, họ ì xè sau lưng lâu ni là thương binh giả chứ có phải thật mô…

Chị Nguyễn Thị Sáng – Cán bộ chính sách xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ thêm: Ngay sau khi có quyết định, tôi trực tiếp đến thông báo cho các bác nhưng thấy bác Liên suy sụp hẳn, mong rằng làm sao xác minh lại được để các bác được hưởng chứ các bác đều già cả rồi.

3images1327115 anh sy duc3
18 trường hợp bị đình chỉ trợ cấp ở huyện Quỳnh Lưu đều có chung một tâm trạng: Tủi thân vì họ từng là những người chiến sỹ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, họ đều có mặt đầy đủ trong cuộc xác minh sai sót tại Ban CHQS huyện.

Không chỉ trường hợp ông Liên mà 17 trường hợp khác ở huyện Quỳnh Lưu ngay khi có thông báo về cuộc họp để tìm hiểu xác minh sai sót, tất cả đều có mặt. Phân lớn họ đến không phải vì khoản trợ cấp hàng tháng mà vì danh dự của người lính đã từng xông pha trận mạc. Họ đến để mong sớm xác minh lại đúng sự thực, tránh mang tiếng xấu khi trở về với đời thường.

Thật giả lẫn lộn, cũng không ít trường hợp không tham gia chiến trường, không đi linh ngày nào, nhưng vẫn khai man, làm hồ sơ giả để được hưởng trợ cấp hàng tháng, khiến một chủ trương đúng, đầy tính nhân văn của đảng nhà nước bị biến tướng. Trong khi đó, nhiều người bước ra từ cuộc chiến với thương tích nhưng do thất lạc giấy tờ nên chưa được công nhận là đối tượng chính sách. Đơn cử như Ông Lê văn Hùng - xóm Long tiến - Công Thành - Yên Thành. Đi bộ đội tháng 8-1972, đúng ra được hưởng chế độ chất độc da cam nhưng do thất lạc giấy tờ nên đến giờ ông đanh chịu.

4images1327116 anh sy duc6
Trong số 90 trường hợp bị đình chỉ trợ cấp thương binh, có những gót chân đã mỏi vẫn tiếp tục hành trình tìm công lý để lấy lại danh dự cho mình

Không chỉ bị đình chỉ trợ cấp, 90 trường hợp đó phải hoàn lại số tiền đã được hưởng trước đó, ước khoảng 16 tỷ đồng. Nếu 90 đối tượng kia là thương binh giả thì việc truy thu hoàn toàn đúng, còn nếu là thật nhưng do sai sót trong thẩm định hồ sơ thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc gây tổn thương tinh thần cho họ. Ngành chức năng cần sớm vào cuộc thẩm định lại để đưa ra quyết định đúng, tránh sai sót, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người thuộc diện được hưởng ưu đãi.

Tác giả bài viết: Sỹ Đức – Phạm Gái

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP