Trong nước

Điểm mới về chế độ hợp đồng với viên chức từ 1/7/2020

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua có điểm mới là quy định hợp đồng xác định thời hạn là hợp đồng từ 12 tháng đến 60 tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được QH quy định đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, 1/7/2020, sẽ ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, theo quy định của Luật Viên chức hiện hành, sau khi xét tuyển hoặc thi tuyển, cơ quan có thẩm quyền sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng làm việc với người được tuyển dụng.

Sau khi hết hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Tuy nhiên, yêu cầu của Nghị quyết trung ương là thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Do đó, Điều 25 của Luật được sửa đổi, quy định theo hướng tất cả các viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020, tức ngày Luật có hiệu lực, sẽ thực hiện hợp đồng xác định thời hạn.

“Có điểm rất khác trong Luật mới là hợp đồng có xác định thời hạn được xác định là hợp đồng từ đủ 12 tháng đến 60 tháng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Trường Giang cho hay.

Theo ông Giang, yêu cầu này được đưa ra trong Nghị quyết trung ương là để viên chức trong quá trình cống hiến công tác luôn phấn đấu để khi hết thời hạn hợp đồng được tiếp tục được ký hợp đồng xác định thời hạn tiếp theo.

Trong Luật cũng nêu rõ trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người sử dụng lao động đánh giá viên chức đó.

Trong trường hợp người lao động vẫn đảm bảo được các điều kiện theo quy định của pháp luật và người sử dụng viên chức vẫn có nhu cầu sử dụng thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức đó.

Ông Giang cũng nhấn mạnh tất cả các viên chức hiện nay, tức những người đã được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2020) thực hiện theo quy định hiện hành và chỉ đối với những viên chức mà tuyển dụng sau ngày 1/7/2020, thì áp dụng theo quy định tại Điều 25 của Luật mới.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Các loại hợp đồng làm việc

1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp sau đây:

a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 như sau:

“2. Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức.

Trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc đối với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản”.

4. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 29 như sau:

“e) Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.”.

Trích Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Tác giả: Hà Dung

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP