Trong tỉnh

Địa phương đầu tiên ở Nghệ An công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Sáng 16/4, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra Quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ.

Người dân Quỳnh Lưu rắc vôi bột tại các trang trại chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh đối với lợn. Ảnh: Việt Hùng

Tính đến 15/4/2019, sau 30 ngày kể từ ngày ổ dịch cuối cùng xuất hiện tại xã Quỳnh Mỹ không phát sinh thêm ổ dịch. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, sáng 16/4, UBND huyện Quỳnh Lưu ra các quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ và các xã vùng uy hiếp: Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa và thị trấn Cầu Giát.

Các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ được hoạt động trở lại bình thường theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành của pháp luật.

UBND huyện Quỳnh Lưu ra Quyết định công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ. Ảnh: Việt Hùng

Trước đó, từ ngày 12/3 đến 16/3/2019, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) là địa phương đầu tiên ở Nghệ xuất hiện liên tiếp 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 hộ chăn nuôi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 23 con ( trong đó 3 con lợn nái và 20 lợn con theo mẹ) với tổng trọng lượng hơn 700 kg.

Để chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi không để bùng phát, lây lan, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ đạo xã Quỳnh Mỹ lập 4 chốt kiểm dịch; sử dụng 40 lít hóa chất và 4 tấn vôi bột để phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, các trục đường liên thôn và các gia trang trại.

Ngoài xã Quỳnh Mỹ, trên địa bàn huyện còn xã Quỳnh Hưng sắp đủ 30 ngày công bố dịch và chưa phát sinh thêm ổ dịch khác. Nếu đến ngày 17/4 không phát sinh ổ dịch thì UBND huyện sẽ hoàn tất các văn bản, thủ tục để ra Quyết định công bố hết dịch tại xã Quỳnh Hưng vào ngày 18/3

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu

Xã Quỳnh Mỹ cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu gần 2 km là địa phương đầu tiên ở Nghệ công bố hết dịch tả lợn châu Phí. Đồ họa: Lâm Tùng

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình cho biết: Là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên mọi công tác chỉ đạo, giám sát thực hiện phòng bệnh được huyện đặc biệt quan tâm. Với địa bàn rộng, số lượng đàn lợn tương đối lớn với hơn 42.000 con nên công tác phòng ngừa, ứng phó với dịch tả lợn châu Phi được các phòng chức năng của huyện quan tâm, giám sát quyết liệt; nhờ đó hạn chế được sự lây lan, bùng phát của dịch.

Cùng với sự chỉ đạo kịp thời của huyện và các xã vùng dịch, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Hơn 30 ngày qua, công tác phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) được triển khai quyết liệt. Ảnh: Việt Hùng

UBND huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong vùng dịch và các xã vùng uy hiếp khẩn trương vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo đúng quy trình phòng, chống bệnh. Riêng đối với các hộ bị dịch tả lợn châu Phi cần tuân thủ thời gian cách ly từ lúc xảy ra bệnh đến khi tái đàn từ 2 - 3 tháng; còn các xã vùng uy hiếp có thể tái đàn sau khi xử lý chuồng trại.

Trong thời gian trước và trong khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập các chốt kiểm dịch tại nơi xảy ra dịch, trên các trục đường chính. Ngoài ra các xã vùng uy hiếp còn thành lập thêm 20 chốt chặn ra vào địa bàn để khống chế dịch. Tính đến thời điểm này, tổng lượng hóa chất đã cấp phát cho các xã vùng dịch và uy hiếp 335 lít, 66 tấn vôi bột, 10 bình bơm và 20 bộ đồ phục vụ công tác phun tiêu độc khử trùng.

Tác giả: Việt Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP