Giáo dục

Đề thi học sinh giỏi Văn về "thấu hiểu với cha mẹ" gây bão mạng

"Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố" - Câu nói nổi tiếng trong bộ phim "Repply 1988" được đưa vào đề thi học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Nam đang được dân mạng bàn luận.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp THCS của tỉnh Quảng Nam đang gây xôn xao mạng. Ở phần Nghị luận xã hội bàn về "sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ" cùng loạt trích dẫn câu nói nổi tiếng cũng được các diễn đàn mạng đưa ra bàn luận sôi nổi.

Đề thi Học sinh giỏi tỉnh cấp THCS của Quảng Nam "gây bão" mạng xã hội.

Cụ thể, ở câu Nghị luận xã hội 8 điểm, đề bài đưa ra nội dung:

a. Trong bộ phim "Repply 1988" sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.

b. Trong bài viết "Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!", nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.

Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.

Dân mạng đưa ra ý kiến đồng tình cao về tính nhân văn trong cách ra đề.

Với yêu cầu của đề bài, có thể thấy đây là đề thi dạng mở, cho phép học sinh bày tỏ quan điểm, trải nghiệm và cách nhìn nhận vấn đề đa chiều của bản thân. Nhiều người đánh giá cao đề thi này bởi tính nhân văn và thời sự, sau khi liên tiếp các vụ tự tử do áp lực học tập xảy ra thời gian qua:

- Mong đề luôn mở như thế này chứ không chỉ những bài học văn mẫu theo form, cần phải thực tế để các em có thể cảm nhận cuộc sống và phát triển tư duy.

- Đề bài quá sâu sắc! Nhà trường nên gửi trực tiếp bài thi cho từng phụ huynh học sinh để bố mẹ thấu hiểu các con hơn.

- Mình rất thích các đề văn mở như thế này. Môn Văn nói riêng và môn xã hội nói chung giúp định hình tính cách và suy nghĩ của chúng ta sau này rất nhiều.

- Ước được nghe những câu truyền cảm hứng như này sớm hơn để biết thông cảm với bố mẹ hơn. Thời đại của mạng xã hội, mong các bạn nhỏ nên tiếp thu những điều này chứ không phải những điều tiêu cực.

- Có thể nói các môn tự nhiên phát triển sự nhạy bén thì các môn xã hội định hình lại con người sau này, đặc biệt là môn Văn. Ngày xưa mình không thích Văn, nhưng hồi cấp 3 mình theo khối tự nhiên và có học thêm Văn. Mình nghĩ nhiều và sâu hơn, biết thấu cảm hơn và đặc biệt là có cái nhìn đa chiều về mọi thứ. Như đề văn ở trên, không chỉ những bạn làm bài thi mà bất kỳ ai đọc qua tiêu đề cũng sẽ có chút suy nghĩ nào đó dành bố mẹ mình, riêng mình thấy nó hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề thi trên thì cũng có không người dùng mạng thẳng thắn đưa ra quan điểm ngược lại:

- Đề thế này quá khó để làm trọn vẹn. Với một đứa trẻ sâu sắc và có hoàn cảnh sống không thoải mái cùng bố mẹ thì sẽ không nêu bật được suy nghĩ thật của mình. Còn với những đứa trẻ đơn giản thì lại không có gì để nói. Một đề tài như thế này nên được chia sẻ kín đáo và tế nhị chứ không phải đưa ra bàn luận công khai.

- Mình không có cùng suy nghĩ với người ra đề khi cho rằng "sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ" là vấn đề. Vì nhiều khi để con cái yên tâm mà lớn lên, cha mẹ còn bảo con không cần quan tâm vấn đề này kia, thì làm sao các em có thể thấu hiểu thế giới người lớn được. Ngược lại, cha mẹ nào cũng từng trải qua thời làm con rồi, hẳn là từng cảm nhận được một phần tâm lý của các em. Vì thế khi mình đọc nửa đầu của đề bài này, vấn đề đầu tiên mình nghĩ ngược lại là "sự thấu hiểu của cha mẹ với con cái".

- Đơn giản bố mẹ lần đầu tiên làm bố mẹ nhưng con cái cũng là lần đầu tiên được làm con, còn bố mẹ đã từng được làm con, từng được trải qua tuổi thơ rồi, tại sao lại không có một chút thấu hiểu với con của mình?

- Bố không phải sinh ra đã làm bố, nhưng bố cũng đã từng là trẻ con. Sự việc với người lớn chỉ bé như cái miệng giếng, nhưng với những đứa trẻ cái miệng giếng ấy lại là cả bầu trời.

Tác giả: Tuệ Nhi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP