Ảnh minh họa. |
Theo đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp với NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24.
Trước đó, NHNN cũng đã có công văn gửi tới Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đề nghị cơ quan này tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Có thể thấy rằng NHNN đang tích cực triển khai các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng trong nước. Thời gian qua, giá vàng miếng SJC liên tục biến động, thậm chí có đợt tăng sốc lên hơn 80 triệu đồng/lượng và chênh lệch tới gần 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Liên quan đến chuyện bình ổn giá vàng trong nước, NHNN trước đó cho biết trong tháng 1/2024, NHNN sẽ báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định “Nhà nước không chấp nhận việc giá vàng trong nước chênh lệch tới 20 triệu so với giá vàng thế giới trong năm vừa qua và giá vàng SJC với các vàng khác chênh nhau tới vài triệu đồng”. Mục tiêu cuối cùng là để làm sao thị trường vàng này không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu người dân Việt Nam, Phó Thống đốc cho hay.
Tác giả: Khánh Tú
Nguồn tin: vietnamfinance.vn