Trong tỉnh

Dấu hiệu hình sự vụ tài xế ô tô bị chặn đường, "xin đểu" trong đêm

Tài xế ô tô đang lưu thông qua cầu Yên Xuân (tỉnh Nghệ An) thì một xe máy phía sau chạy vượt lên, chặn đường.

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin một người đàn ông chạy xe máy đã chặn ô tô để "xin đểu".

Hình ảnh người đàn ông chặn đường, yêu cầu tài xế ô tô chuyển tiền.

Tài khoản đăng tải cho biết tối 11-7, khi đang lái ô tô lưu thông trên cầu Yên Xuân (tỉnh Nghệ An) thì một xe máy phía sau liên tục bấm còi, nháy đèn. Khi ô tô đi gần hết cầu, người đi xe máy chạy vượt lên, đứng trước đầu xe vì cho rằng tài xế ô tô cố tình không nhường đường.

Không muốn làm vụ việc trở nên căng thẳng, vợ anh C. xin lỗi nam tài xế xe máy nhưng người này không đồng ý, yêu cầu người trên ô tô xuống nói chuyện và yêu cầu vợ đưa 1 triệu đồng.

Song anh C. không đồng ý thì người đàn ông đe dọa gọi người ra đánh. Thấy vậy, vợ anh C. đã chuyển cho người đàn ông đi xe máy 1 triệu đồng.

Đáng nói, anh tiếp tục khi về nhà tiếp tục bị người đi xe máy gọi điện thoại đe doạ.

Sau khi vụ việc được đăng tải lên mạng xã hội, rất đông người theo dõi đã tỏ ra bất bình với sự việc trên và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Tình huống pháp lý

Về pháp lý, luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự), cho hay với vụ việc trên, tùy tính chất, mức độ cụ thể mà người đàn ông đi xe máy có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính, hành vi không đội mũ bảo hiểm của người đi xe máy khi tham gia giao thông đã vi phạm quy định tại điểm h khoản 2 điều 7 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi chặn đầu xe ô tô đang lưu thông trên cầu, một vị trí đặc biệt nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đây là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 21 điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 với nội dung cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ, mức phạt tiền là 400.000-600.000 đồng, trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Song, tính chất nghiêm trọng hơn là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nếu cơ quan điều tra được rằng người đàn ông đi xe máy đã dùng lời nói đe dọa, như "sẽ gọi người đến đánh", hoặc gọi điện, nhắn tin uy hiếp tinh thần thì hành vi này đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm theo khoản 1 điều 170 Bộ luật Hình sự.

Tác giả: Đông Hoa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP