Vùng đất thị trấn xa xưa, nằm trong vùng lãnh thổ do Lê Long Toàn, con trai của vua Lê Đại Hành đã chọn làm lỵ sở (nằm trong quần thể khu vực Công Trung , Tràng Thành). Khai tên ra các vùng đất như: Tiền Nha, Hậu Nha, Tiền Vàng, Hậu vàng, lùm Hoa... Đến đời nhà Trần, Trần Quốc Khang tiếp tục theo truyền thống nhà Lê, vẫn chọn Công Trung làm lỵ sở, với khoảng cách không đầy cây số, thời đó thị trấn vẫn chịu tác động và ảnh hưởng lớn cuộc sống lỵ sở.
Thần tổ Họ Phan Văn: Sùng Quận Công Phan Cảnh Quang đã có công lớn trong việc bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ cõi giang sơn, nên được triều đại nhà Lê ban tặng đất đai, vàng bạc. Họ Phan văn đã đã phát triển thành một họ lớn trong các dòng tộc ở Việt Nam, thời phong kiến họ Phan có 18 quận công. (Nhà thờ họ Phan Văn được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia).
Làng Phúc Tăng: Phúc Tăng Long hồi, có từ thời nhà Trần, sang thời triều Nguyễn có câu đối ban tặng cho làng còn để lại: “Quan hóa- Hóa quan- Quan Phượng lịch; - Phúc Tăng- Tăng Phúc- Phúc, long hồi”. Tất cả sự hồi sinh và phát triển đó, đều nhờ tích tụ linh khí sông Dinh- rú Gám mà nên.
Trong những năm cao trào Xô Viết, tại cồn Nhà Vàng là điểm di tích lịch sử, là chứng tích tội ác dã man của Thực dân Pháp còn để lại, vào ngày 7/11/1930 khi đoàn biểu tình của nhân dân các tổng Vân Tụ, Tràng Kè, Liên Trì, kéo xuống huyện lỵ để biểu tình phản đối chế độ thống trị thực dân Pháp, kẻ địch đã huy động lính từ Phủ Diễn Châu, tăng cường cùng lính đồn Phụng Luật đón chặn ra tay đàn áp biểu tình, khiến 1 người bị chết và hàng chục người khác bị thương.
Ngày 4/4/1986 Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định số 37/HĐBT về việc thành lập thị trấn Yên Thành. Cuộc sống của nhân dân Thị trấn từ xa xưa, cũng như ngày nay đã hoà nhập cộng đồng thống nhất, đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ cơ sở nền tảng cuộc sống từ xưa đã để lại và góp phần làm nên các giá trị truyền thống nổi trội của vùng đất trung tâm huyện lỵ.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Nhương