Tại báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022", Chính phủ cho biết trong năm 2021, đã tích cực triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong đó, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á, cụ thể là tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Ngoài ra, Chính phủ rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Chính phủ cho biết đã có hướng xử lý CBBank và OceanBank (Ảnh: Mạnh Quân). |
Thông tin rò rỉ trước đó cho thấy MB và Vietcombank là những ngân hàng được chọn để tham gia tái cơ cấu 2 tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.
Với MB, khả năng cao là "ngân hàng 0 đồng" OceanBank. Chia sẻ tại họp đại hội thường niên năm nay, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cho biết để xử lý khoản lỗ lũy kế, ngân hàng chuyển giao được vay một khoản tiền 0% từ ngân hàng nhận chuyển giao và được hỗ trợ (không tiết lộ số tiền) từ Nhà nước. Lộ trình chuyển giao là khoảng 7-8 năm.
Sau khi triển khai tái cơ cấu, MB có 3 phương án xử lý: một là sáp nhập vào MB để quy mô MB lớn lên, hai là bán tổ chức tín dụng này đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.
Đối với Vietcombank, nhà băng này cho biết hiện tại chưa khẳng định được sẽ nhận chuyển giao tổ chức tín dụng nào. Tuy nhiên, theo thông tin tại báo cáo của Chính phủ, rất có thể Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank.
Lãnh đạo Vietcombank tính toán thời gian đưa tổ chức tín dụng yếu kém về tình trạng hoạt động bình thường sẽ không quá 8-10 năm.
Vietcombank nhìn nhận việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới hoạt động, tốc độ tăng trưởng… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc như một ngân hàng con, hoặc bán, chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí