Pháp luật

“Đại gia” xứ Nghệ 25 năm ấm ức vì mua nhầm xe lậu

25 năm, ông Kiêm không nhớ bao nhiêu lần đi gõ cửa các cơ quan chức năng, yêu cầu làm sáng tỏ việc ông mua nhầm phải xe ô tô Camry nhập lậu, chứ không phải “nhập lậu xe ô tô” dẫn đến bị thu xe. Dù thanh tra Bộ Công an đã kết luận ông bị tịch thu xe là đúng, nhưng ông vẫn chưa đồng tình.

12 QHFU jpg
Ảnh minh họa.

“Đại gia” mua nhầm xe Camry lậu?

Theo trình bày của ông Bùi Tôn Kiêm (SN 1949, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An), đầu năm 1992, ông Kiêm mua toàn bộ máy móc, trang thiết bị của Nông trường An Ngãi (tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An) với giá 180 triệu đồng để phục vụ việc làm ăn. Sau đó, ông đổi toàn bộ số máy trên cho ông Phan Văn Lượm (trú ở 43/k1/29 Bình Đông, quận 8, TP HCM) lấy chiếc xe ôtô Toyota Camry bốn chỗ ngồi, BKS 51L-7306, giấy phép lưu hành có giá trị đến ngày 18/5/1993. Giấy chứng nhận đăng kí xe ô tô và giấy phép lưu hành do Công an TP HCM cấp mang Phan Văn Lượm.

Ngày 3/12/1992, ông Kiêm thuê người lái xe từ miền Nam về Nghệ An. Năm ngày sau, ông lái xe đi rửa thì bị Công an TP Vinh kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính vì các lỗi: Không có giấy phép lái xe, chưa sang tên chuyển chủ, không có phí giao thông và bảo hiểm, sau đó công an đưa xe về trụ sở.
Sau ba tháng, Công an TP Vinh trả lời thì ông mới “ngã ngửa” vì chiếc xe ô tô trên là xe nhập lậu, giấy tờ liên quan đều được làm giả. Công an TP Vinh đã khởi tố vụ án hình sự và ngày 20/2/1993 có lệnh truy nã đối với Phan Văn Lượm về tội làm giả giấy chứng nhận tài liệu cơ quan nhà nước.

Theo địa chỉ trong lệnh truy nã, Phan Văn Lượm ở 43/K1/29 Bình Đông, quận 8, TP Vinh. Nhưng theo ông Kiêm, thực tế đối tượng lại trú tại 43/k1/29 Bình Đông, quận 8, TP HCM. Trong quá trình có lệnh truy nã trên, ông Kiêm đề nghị Công an TP Vinh cử cán bộ đi cùng ông vào TP HCM để đến gặp Lượm làm rõ vấn đề nhưng không được chấp thuận.

Ngày 2/4/1996, ông Kiêm nhận được Quyết định số 1669 ngày 5/7/1995 của UBND tỉnh Nghệ An có nội dung: “Nay xử phạt ông Bùi Tôn Kiêm về hành vi nhập lậu xe ô tô, với hình thức tịch thu sung công quỹ nhà nước chiếc xe ô-tô Toyota Camry số khung 01.1352, số máy 032.7006”.
b iybx jpg
Ông Kiêm cho rằng mình chỉ mua nhầm xe lậu, chứ không nhập lậu ô tô.

“Tiền mất, tật mang”?

Không đồng ý với quyết định này, ông Kiêm khởi kiện, Tòa Hành chính TAND tỉnh Nghệ An nhận đơn và quyết định thụ lý vụ án.

Bất ngờ ngày 26/1/1998, UBND tỉnh Nghệ An lại ra Quyết định số 357 với nội dung “Nay chuyển cho Công an TP Vinh 61 triệu đồng, số tiền thu từ bán đấu giá chiếc xe ô-tô du lịch bốn chỗ ngồi nhãn hiệu Toyota Camry số khung 01.1352, số máy 032.7006 để giải quyết theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về xử lí vật chứng của vụ án”. Từ quyết định này, ngày 7/2/1998, TAND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 01 đình chỉ vụ án khởi kiện của ông Kiêm. Từ đó đến nay, đã nhiều lần ông Kiêm ôm đơn gửi các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương vì không đồng ý với cách giải quyết của ngành chức năng.

Ngày 3/1/2014, Thanh tra Bộ Công an đã có buổi làm việc với ông Bùi Tôn Kiêm, kết luận: “Quyết định số 357/QĐ-UB tịch thu xe ô tô là đúng với Quy định số 01/TTG ngày 6/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ Công an không xem xét giải quyết lại nội dung này”.

Theo ông Kiêm, Quyết định số 1669 về việc xử phạt hành chính ông về hành vi nhập lậu xe ô tô là không đúng. Ông cho rằng mình chỉ đổi máy móc thiết bị cho Phan Văn Lượm để lấy chiếc xe ô tô đã có giấy tờ, chứ không phải người nhập lậu. Về việc UBND tỉnh Nghệ An chuyển cho Công an TP Vinh 61 triệu đồng thu được từ bán đấu giá chiếc xe ô tô tang vật để giải quyết theo các quy định, ông Kiêm cho rằng, vật chứng của vụ án này là chiếc xe ô tô Camry, chứ không phải 61 triệu đồng.

Ở một diễn biến khác, trước đó “đại gia” Bùi Tôn Kiêm đã được UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đền bù số tiền 1,04 tỷ đồng sau 28 năm kiện. Theo đó, năm 1988, ông Kiêm chung vốn với một người tên Tấn ở Quảng Ngãi mua hợp pháp hai đầu máy đẩy thủy của HTX Hòa Bình (tại xã Nghi Thiết, Nghi Lộc), trên đường về thì bị Công an Nghi Lộc thu giữ. Tài sản sau đó được bán và trả cho ông Tấn 2,67 triệu đồng, còn 1,13 triệu đồng được trích thưởng cho Công an huyện Nghi Lộc. Sau 28 năm ôm đơn đi đòi công lý, dù không đồng ý với số tiền đền bù nhưng vì quá mệt mỏi, tuổi cao, sức yếu nên ông đành nhận số tiền trên.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP