Sinh ra từ nước mắm
Mùa gió bấc năm Mậu Tuất 1898, trong một mái lều tranh vách lá che tạm ven bờ sông Cà Ty thuộc làng Đức Thắng, đứa con thứ chín của một gia đình ngư dân nghèo cất tiếng khóc chào đời.
Trời trở bấc hơn 3 tháng, người cha không đi biển được, nhà không còn một hạt gạo, tám đứa con nheo nhóc bữa đói bữa no cũng chừng ấy thời gian. Người mẹ nghèo sinh đến đứa con thứ 9 nên sức cùng lực kiệt, bà ngất đi hơn 1 ngày.
Khi tỉnh lại, người chồng phải sang nhà người bạn ghe mượn tạm một ít gạo về nấu cháo cho vợ. Để có chất tẩm bổ cho vợ có sữa cho con bú, thứ thực phẩm duy nhất mà ông có được là vò nước mắm chôn dưới đất.
Cháo loãng và nước mắm là thứ dinh dưỡng giúp người mẹ nghèo có được những dòng sữa ngọt nuôi con trong cảnh khốn cùng. Nghèo, chữ nghĩa cũng chẳng có, không biết đặt tên con là gì, thôi thì đặt tên xấu để dễ nuôi. Cái tên Trương Thị Tuất của người con gái thứ chín ra đời như thế.
Bà Trương Thị Tuất (bà Hồng Hương). |
Làm giàu từ nước mắm
Cũng như các anh chị mình, từ nhỏ cô gái Trương Thị Tuất phải theo phụ mẹ gánh cá mướn cho người ta. Nhờ trời phú cho sức khỏe cô làm việc quần quật suốt ngày mà không biết mệt. Dậy sớm từ tinh mơ để đón ghe cá vào, rồi gánh cá đổ vào thùng lều cho chủ, sau đó theo anh chị đi cào muối thuê, chiều về dọn dẹp vệ sinh lều mắm,...
Bất kể việc gì cô cũng không nề hà. Do nhà nghèo và tối ngày chỉ lo làm việc nên mãi đến ngoài 20 cô mới lập gia đình với ông Nguyễn Văn Cang một "trai lều" (Những người đàn ông làm việc trong các lều nước mắm - PV). Cũng vì việc lập gia đình muộn này mà mọi người thời đó gọi cô bằng cái tên Chín Lâu.
Ông Nguyễn Văn Cang (chồng bà Hồng Hương). |
Vợ chồng ra riêng không có một mảnh đất cắm dùi, ông bà xin người chủ che tạm một mái nhà bên cạnh lều mắm vừa để ở, vừa canh lều cho người ta. Nhưng rồi chỉ ở được một thời gian ngắn thì phải dọn đi vì con chủ lều không cho, phải đi xin nhờ tá túc hết nơi này đến nơi khác.
May mắn thì ở được lâu, không thì chỉ được vài tháng. Cuộc sống nay đây mai đó, trăm bề cực khổ đã làm bà Chín Lâu quyết tâm tằn tiện, dành dụm. Năm 1923 ông bà mua được một mảnh đất nhỏ để dựng nhà với số bạc 10 đồng ở một nơi hẻo lánh của làng Đức Thắng thời ấy.
Ngoài thời gian đi làm thuê cho các chủ lều nước mắm, ông bà Chín Lâu muối một vài vại nước mắm tại nhà để bán lẻ kiếm thêm thu nhập. Từ bé đã gắn bó với con cá, hạt muối, thùng lều,... cùng khả năng thiên phú, nước mắm của bà Chín Lâu làm ra ai cũng khen ngon và mua ủng hộ đôi vợ chồng nghèo.
Từ vài vại mắm nhỏ, bà sắm lên thùng lều, che thêm mái nhà để làm mắm. Dần dần nước mắm Chín Lâu được người dân xóm chợ ưa thích và tìm mua. Năm 1927, thương hiệu nước mắm Hồng Hương của ông bà Chín Lâu chính thức ra đời.
Nhãn hiệu nước mắm Hồng Hương. |
Với bản tính ham làm, chịu khó và quý trọng chữ tín, chỉ vài năm sau nước mắm thương hiệu Hồng Hương với “lô gô” hình con tôm của vợ chồng bà Hồng Hương (sau đây gọi bà Chín Lâu là bà Hồng Hương) đã có mặt tại Sài Gòn.
Thời ấy các hãng nước mắm khác phải thuê ghe hoặc chỉ sắm 1- 2 chiếc ghe bầu để vận chuyển nước mắm đi bán, riêng hãng Hồng Hương có một đội ghe hơn 10 chiếc, chở nước mắm ngược ra miền Trung, miền Bắc, xuôi vào Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh.
Từ năm 1933, tại Phan Thiết, nước mắm Hồng Hương luôn là thương hiệu nổi tiếng nhất về chất lượng và sản lượng sản xuất ra. So với sản phẩm cùng loại thì nước mắm Hồng Hương luôn cao giá hơn nhưng được người tiêu dùng chấp nhận. Điều đặc biệt nước mắm Hồng Hương vào Sài Gòn được người Hoa ở Chợ Lớn mua sỉ và phân phối. Hàng sản xuất ra không kịp bán. Hồng Hương phải mở nhiều cơ sở phát hành tại Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ.
Tại Phan Thiết, từ 1 sở lều ban đầu, chỉ trong vòng 15 năm hãng nước mắm Hồng Hương đã phát triển ra hơn 20 sở lều, mỗi lều rộng hàng hecta. Cả con đường Duy Tân (đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay) hầu hết là sở lều của nước mắm Hồng Hương.
Biệt thự 55 Nguyễn Văn Trỗi, Phan Thiết - ngày nay là nơi con cháu bà Hồng Hương sinh sống và thờ tự bà. |
Trong quá trình tìm hiểu về những hàm hộ xưa tại Phan Thiết, chúng tôi có nêu thắc mắc tại sao cũng cá, cũng muối và đều được làm tại Phan Thiết nhưng nước mắm Hồng Hương lại nổi tiếng thơm ngon như vậy. Họ có bí quyết gì chăng?
Nhiều bậc cao niên trong nghề nước mắm kể lại trước đây hầu như dân hàm hộ ai cũng nghe nói câu chuyện bí quyết nghề của nước mắm Hồng Hương. Nước mắm thành phẩm trước khi xuất bán được bà Hồng Hương chứa trong thùng lớn 12.000 lít sau đó bà cho vào 3 - 4 xe bò nước hến lấy từ giếng dọc (nước giếng đào trên động cát có màu trắng đục ) ở khu vực xóm lò tỉn (nay là đường Trần Quý Cáp thuộc phường Đức Long, Phan Thiết ) rồi trộn đều.
Sau khi pha với lượng nước hến này thì nước mắm trở dịu, có vị ngọt đặc trưng riêng biệt của nước mắm Hồng Hương và đặc biệt để lâu không hư. Hầu như các hàm hộ khác đều biết chuyện này nhưng không ai bắt chước thành công.
Kinh doanh bất động sản và tạo lập cơ sở kinh doanh cho người thân
Cũng như ông Bát Xì, bà Lục Thị Đậu, tiền làm ra từ sản xuất nước mắm bà Hồng Hương đầu tư hết vào nhà cửa, đất đai để bán hoặc cho thuê. Hai bên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ trường Nam Phan Thiết (nay là trường tiểu học Đức Thắng) đến cầu Trần Hưng Đạo hơn 90% là nhà cửa, đất đai của bà Hồng Hương.
Vị trí ngân hàng ngày nay trước đây là phòng ngủ (khách sạn) của Hồng Hương, năm 1973 khi Hiệp định Pari được ký kết bà Hồng Hương cho thuê toàn bộ khách sạn này làm trụ sở của Ủy ban 4 bên.
Tòa nhà góc đường Ngô Sĩ Liên - Trần Hưng Đạo cách đó mấy căn cũng thuộc sở hữu của Hồng Hương.
Trong lịch sử hình thành trường trung học Phan Bội Châu, những người sáng lập trường ban đầu cũng thuê lại tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo của bà Hồng Hương để làm trường, về sau trả để làm trường tiểu học Tiến Đức, hiện nay vị trí này là trụ sở UBND thành phố Phan Thiết.
Đặc biệt 2 tòa nhà kiến trúc Pháp có mái vòm hiện vẫn còn khá đẹp nằm ở hai bên trụ sở UBND thành phố Phan Thiết, ngày xưa cũng thuộc sở hữu của bà Hồng Hương....
Ngoài ra bà Hồng Hương còn bỏ tiền đầu tư xây dựng hàng trăm căn nhà phố liền kề ở các đường Chu Văn An, Triệu Quang Phục, Ngô Sĩ Liên, Đồng Khánh (nay là Trần Phú) để bán hoặc cho thuê.
Dãy phố trên đường Trần Hưng Đạo do bà Hồng Hương là người chủ đầu tiên. |
Các người con đều được ông bà Hồng Hương truyền nghề và giúp đỡ tạo dựng ra các hãng nước mắm riêng và khá thành công như hãng nước mắm Hồng Sanh của người con gái thứ bảy, hãng Hoa Hương của người con gái thứ ba, cơ sở của người con thứ tám.
Người con rể là ông Dương Quang Thiết (nước mắm Hồng Sanh ) trước 1975 là chủ tịch nghiệp đoàn hàm hộ Phan Thiết. Đặc biệt người em gái ruột thứ mười của bà Hồng Hương là bà Trương Thị Mao cũng được bà giúp đỡ mở hãng nước mắm Hồng Xuyên nổi tiếng không kém.
Dãy nhà phố trong cụm tứ giác Trần Hưng Đạo - Chu Văn An - Triệu Quang Phục - Ngô Sĩ Liên, Phan Thiết thuộc sở hữu của bà Hồng Hương từ năm 1937. |
Năm 1957, ông Nguyễn Văn Cang mất, bà Hồng Hương vẫn tiếp tục điều hành hãng nước mắm Hồng Hương thêm một thời gian rồi giao lại cho vợ chồng người con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Ngọ và bà Lương Nguyệt Quyên.
Sau năm 1975, vợ chồng người con gái lớn của bà Quyên là bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân và ông Phan Gia Tự tiếp tục thừa kế thương hiệu Hồng Hương. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thương hiệu nước mắm Hồng Hương nổi tiếng gần 100 năm giờ đã không còn thuộc sở hữu của gia đình bà Hồng Hương do một bạn hàng ngày xưa đã nhanh tay đăng ký và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận độc quyền thương mại năm 1994.
Sau năm 1995, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân có tiếp tục làm nước mắm nhưng phải lấy thương hiệu mới là Ngân Hương. Sau đó, chấm dứt nghề nước mắm cách đây vài năm do lớn tuổi và con cái không còn ai theo nghề nữa.
Phần mộ của ông bà Hồng Hương tại Hàm Thuận Nam. |
Câu chuyện về bà Hồng Hương giờ vẫn được nhiều người nhắc đến như một tấm gương về một người phụ nữ nghèo khó vươn lên từ nghề nước mắm và là người đã góp phần to lớn tạo ra nhiều thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng khắp cả nước. Bà cũng chính là người đã góp phần kiến tạo một phần của đô thị Phan Thiết xưa.
Tác giả: Lê Huân
Nguồn tin: Báo VietNamNet