Du lịch

Đặc sản mùa hè từ loại quả xưa không ai ngó ngàng, giờ bao người thích mê

“Trâm rừng” là loại quả quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Loại quả vừa có vị ngọt, vừa có vị chua, chát và trở thành đặc sản bao người thích mê.

Trái trâm là một loài cây mọc dại ở Việt Nam và là đặc sản mùa hè được nhiều người yêu thích. Loại quả này thường có vị chua, ngọt, hơi chát, có thể ăn tươi hoặc sử dụng để làm nước uống. Bên cạnh giá trị ẩm thực thì ít người biết rằng trái trâm cũng có nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.

Trái trâm có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Đến hẹn lại lên, khi tiết trời chuyển sang hè, mấy cơn mưa đầu mùa ghé qua, ấy là lúc những trái trâm chín rộ. Mùa trâm còn được nhớ đến qua bài đồng dao quen thuộc: “Trời mưa lâm râm. Cây trâm có trái. Con gái có duyên…” từng gắn với ký ức của biết bao thế hệ ở miền Tây.

Trái trâm còn có tên gọi khác là trâm mốc, trâm vối hay vối rừng. Cây trâm mọc dại trong rừng từ rất lâu, đặc biệt là vùng Bảy Núi (An Giang), trong đó tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô của huyện miền núi Tri Tôn. Loại cây này thích hợp với thời tiết, khí hậu miền sơn cước, không cần chăm sóc, tưới phân, cứ tới mùa là cây trổ hoa, kết trái nên nhiều người gọi trâm là thứ đặc sản "trời cho".

Chùm trái trâm...

Thông thường cây trâm ra hoa vào đầu mùa hè, hoa trâm kết thành từng chùm, chùm hoa trắng chi chít, hương thơm thoang thoảng. Theo thời gian, những chùm hoa ấy được thay thế bằng những chùm trái non xanh. Trái trâm có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay, có màu xanh khi còn non, lúc chín trái trâm chuyển màu từ xanh sang đỏ, tím, đen.

Những trái trâm no tròn căng bóng chẳng lẫn vào đâu được

Loại quả dại này chín rộ vào khoảng cuối tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Khi chín nó có màu tím lịm nổi bật, từng trái no tròn căng bóng chẳng lẫn vào đâu được. Trước đây đám trẻ con ở Tri Tôn rủ nhau đi hái trái trâm chấm kèm theo chén muối ớt giã nhuyễn, vị chua chua ngọt ngọt hấp dẫn, hễ nhắc tới là thèm thuồng. Mùi vị của trâm được gói ghém vào ký ức của người đam mê quà vặt quê nhà, hễ nhắc tới là thèm thuồng. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì trời mưa càng nhiều vị trái này sẽ càng chua.

Mùa này, trâm mọc tự nhiên theo các tuyến đường; trâm chín bày bán khắp chợ, từ thành thị đến nông thôn. Loại trái vừa bình dân, vừa mang giá trị “đặc sản” của tuổi thơ, bởi ngày xưa bẻ ăn thoải mái, đâu ai mua - bán như bây giờ…

Ở vùng núi, người ta gọi loại trái quen thuộc này là trâm rừng. Nhưng kỳ thực, kể cả dưới đồng bằng, hay bất kỳ nơi nào, trâm vẫn là loại cây mọc hoang tự nhiên, sống nhờ điều kiện đất trời, chứ đâu cần bàn tay nào chăm bón.

Món quà quê dân dã ngày nào giờ đã được người dân ở Tri Tôn hái bán để kiếm thêm thu nhập.

Món quà quê dân dã ngày nào giờ đã được người dân ở Tri Tôn hái bán để kiếm thêm thu nhập. Dạo một vòng quanh chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, có khá nhiều địa chỉ rao bán quả trâm với giá lên tới 130.000 đồng/kg. Đối với loại trái cây đặc trưng này, tùy vào sở thích mà mỗi người sẽ có cách ăn khác nhau, chúng ta có thể ăn nguyên chất, nhưng có người lại thích chấm với muối để tăng thêm hương vị.

Ngày nay, ngoài những cây trâm rừng, bà con miền Tây còn trồng trâm vì nó mang lại thu thập kha khá. Cây khoảng 7 năm tuổi mới bắt đầu cho thu hoạch, tuổi thọ của cây trâm kéo dài đến trên 50 năm, cây càng lớn tuổi sẽ cho trái càng sai. Việc hái trâm cũng không hề đơn giản, phải trèo lên những ngọn cây cao rồi dùng tay để hái.

Quả trâm tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần lưu ý khi ăn để tránh phản tác dụng nhé.

Tác dụng của trái trâm đối với sức khỏe

Cải thiện huyết sắc tố: Trong trái trâm có nhiều chất sắt làm tăng huyết sắc tố, giúp tăng cường oxy vận chuyển đến các cơ quan, nhờ đó các bộ phận trong cơ thể hoạt động khỏe mạnh hơn.

Đẹp da, sáng mắt: Trái trâm giúp tăng cường số lượng huyết sắc tố đồng thời chứa nhiều vitamin A và C có tác dụng mạnh mẽ trong việc làm đẹp da, làm se khít lỗ chân lông, loại bỏ nhờn và dầu thừa, ngăn ngừa mụn trứng cá. Đồng thời cũng giúp bạn có đôi mắt sáng và khỏe hơn.

Tốt cho tim: Trong mỗi 100 gram quả trâm có khoảng 55 mg kali, trong đó kali là chất có nhiều hữu ích đối với tim mạch, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim như: đột quỵ, xơ cứng động mạch… đồng thời còn ngăn ngừa các bệnh về huyết áp.

Chống viêm: Ăn trái trâm cơ thể bạn sẽ được tăng khả năng chống viêm, kháng khuẩn ngăn ngừa khả năng bị nhiễm trùng. Lý do là vì trong trái trâm có các axit giúp chống một số trường hợp nhiễm trùng vô cùng hiệu quả.

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Nếu bạn đang gặp vấn đề về bệnh tiểu đường thì đừng bỏ qua trái trâm nhé, trái trâm có chỉ số glycemic thấp nên có thể giúp đường huyết của bạn ổn định hơn và luôn ở mức trung bình.

Lưu ý khi ăn quả trâm

Không uống nước sau khi ăn quả trâm: Bởi việc uống nước ngay sau khi ăn quả trâm là nguyên nhân gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy và khó tiêu. Chỉ nên uống nước sau khi ăn quả trâm khoảng 30 đến 40 phút.

Không ăn quả trâm khi bụng đói: Điều này là do quả trâm có vị chua nên ăn quả trâm khi đói có thể gây ra các vấn đề như ợ chua, đau dạ dày và kích ứng ruột. Ngoài ra, quả trâm còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, do đó chỉ nên ăn quả trâm sau khi ăn no.

Tránh ăn nghệ cùng lúc với quả trâm: Không nên ăn bất kỳ món ăn gì có nghệ ngay sau khi ăn quả trâm. Ăn quả trâm và nghệ cùng lúc có thể kích hoạt nhiều phản ứng với cơ thể và gây kích ứng dạ dày. Vì vậy, nên tránh ăn thụ bất kỳ thực phẩm nào có nghệ ít nhất 30 phút sau khi ăn quả trâm.

Nói không với sữa sau khi ăn quả trâm: Uống sữa ngay sau khi ăn quả trâm có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu và đau dạ dày. Do đó, kết hợp sữa và quả trâm là sự kết hợp không lành mạnh, gây hại cho sức khỏe.

Tác giả: Hương Giang (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP