Pháp luật

Con trai bà Phương Hằng có được quyền phản đối việc giám định tâm thần cho mẹ?

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng đưa ra 4 lý do để phản đối việc giám định tâm thần cho mẹ ông, trong đó có việc lo lắng đối với khối tài sản bà Hằng đang nắm giữ.

Vừa qua, ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, con trai bà Nguyễn Phương Hằng) có đơn gửi đến Công an TP HCM và VKSND TP HCM phản đối việc giám định tâm thần cho mẹ ông.

Trong đơn, ông Tuấn cho hay nghe thông tin ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) cùng luật sư nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giám định tâm thần cho mẹ ông. Ông Tuấn nói rằng ông Huỳnh Uy Dũng làm điều này với lý do là tình tiết bảo lãnh, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ ông.

Tuy nhiên, với tư cách là con trai, ông phản đối việc này và yêu cầu các cơ quan chức năng không giám định tâm thần.

Trong đơn, ông Tuấn đưa ra 4 lý do để không giám định tâm thần vì ông cho rằng mẹ ông hoàn toàn bình thường dù trước đó có uống một số loại thuốc trị nhiều chứng bệnh khác nhau.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Đáng chú ý, ông Tuấn cho rằng việc giám định tâm thần có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về quan hệ pháp luật hôn nhân, quyền sở hữu tài sản, quản lý phần vốn trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy ông Tuấn nghi ngờ việc yêu cầu giám định tâm thần cho bà Nguyễn Phương Hằng.

Câu hỏi đặt ra với tư cách là con trai, ông Nguyễn Quang Tuấn có quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng không giám định cho bà Nguyễn Phương Hằng được hay không?

Thực tế xét xử các vụ án hình sự tại Việt Nam đã có nhiều vụ cơ quan tố tụng phải đưa người phạm tội đi giám định tâm thần vì có nhiều dấu hiệu không bình thường. Nếu họ bị tâm thần trong giai đoạn phạm tội thì không thể truy tố, nếu bị tâm thần trong giai đoạn giam giữ thì phải đưa đi điều trị. Sau khi điều trị xong mới tiếp tục điều tra, truy tố và xét xử.

Đối với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, nếu cơ quan điều tra có quyết định yêu cầu giám định chuyên môn tâm thần thì cũng chưa xem bà Hằng bị tâm thần cho đến khi có kết luận chuyên môn về tâm thần của bà Hằng. Chính vì vậy, ông Huỳnh Uy Dũng hay ông Nguyễn Quang Tuấn cũng không cần quá lo lắng cho bà Hằng như trong thời gian qua.

Việc giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử. Cả ông Huỳnh Uy Dũng và con trai bà Hằng là Nguyễn Quang Tuấn đều không có quyền quyết định hay phản đối việc giám định.

Trong trường hợp này, ông Huỳnh Uy Dũng và ông Nguyễn Quang Tuấn chỉ có quyền cung cấp chứng cứ về việc bà Hằng từng bị tâm thần, có dấu hiệu bệnh lý liên quan đến thần kinh để phối hợp với cơ quan chức năng đưa bà Hằng đi giám định.

Nói tóm lại, chồng và con bà Nguyễn Phương Hằng giống như một nhân chứng trực tiếp, có mối quan hệ thân thiết với bà Hằng, phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi tình trạng người thân mình trong quá trình bị giam giữ.

Người thân chỉ được quyền cung cấp chứng cứ để bảo vệ ý kiến, quan điểm và kết hợp với cơ quan chức năng chứ không có quyền phản đối, định đoạt việc giám định tâm thần. Quyền quyết định thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền nếu thấy có dấu hiệu hoặc để vụ án được thông suốt, khách quan và minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM)

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP