Tôi đã 32 tuổi và đang gặp phải rắc rối mà không biết phải giải quyết thế nào. Vợ chưa cưới của tôi thì nằng nặc đòi hủy hôn. Bố mẹ hai bên cũng không đồng ý cưới nếu chưa tìm được tiếng nói chung…
Tôi và vợ đều là dân ngoại tỉnh. Chúng tôi gặp và yêu nhau khi cùng sống và làm việc tại Hà Nội. Cô ấy là người nhà nước còn tôi chỉ học trung cấp rồi đi làm cai thầu xây dựng. Chúng tôi mới yêu nhau được 1 năm nhưng vì đã luống tuổi, tôi 32 còn cô ấy 27, nên chúng tôi quyết định làm đám cưới vào tháng 10 âm lịch năm nay.
Cả hai đã chụp ảnh cưới, mua sắm đồ dùng chung và đã trang trí lại căn hộ tập thể của tôi tại Hà Nội. Tuy nhiên khi bố mẹ hai bên gặp nhau để bàn chuyện cưới thì chúng tôi gặp phải một vấn đề khó giải quyết.
Bố mẹ vợ nói, con gái ông bà xinh đẹp nhất xã lại có bằng đại học nên lễ ăn hỏi và dẫn cưới cũng phải đàng hoàng. "Cái đàng hoàng" theo ý bố mẹ vợ là gia đình nhà trai phải chuẩn bị 7 tráp lễ vật và một phong bì 20 triệu đồng.
Nhà gái yêu cầu phải chuẩn bị 7 tráp lễ vật và một phong bì 20 triệu đồng (Ảnh minh họa) |
7 tráp lễ vật thì đơn giản nhưng 20 triệu đồng thì bố mẹ tôi nhất định không đồng ý. Bố mẹ tôi nói, không phải ông bà không có 20 triệu để cưới vợ cho tôi nhưng ở quê tôi, lễ ăn hỏi chỉ 5 hoặc 7 tráp và một phong bì từ 3 đến 5 triệu đồng. Phong bì này là lễ đen, gửi đến gia đình nhà gái để nhờ nhà gái làm mâm cơm báo cáo tổ tiên. Vì thế không có lý gì, gia đình nhà tôi lại phải làm phong bì 20 triệu đồng.
Bố tôi cũng tham khảo mọi người trong làng tôi, có người cũng lấy vợ khác quê như tôi. Tuy nhiên ai cũng nói, việc đòi phong bì 20 triệu trong lễ ăn hỏi là quá vô lý. Nhà gái đang quá kiêu ngạo và việc đòi hỏi như vậy là hạ thấp giá trị của nhà trai…
Không còn cách nào khác, tôi bàn với vợ sắp cưới để tìm giải pháp. Tôi muốn vợ tôi nói lại với gia đình để bỏ chuyện phong bì. Tuy nhiên khi tôi vừa nói vợ tôi đã giận dỗi đòi hủy hôn.
Cô ấy nói, bố mẹ cô ấy không thiếu 20 triệu tuy nhiên ở làng cô ấy, mọi người thường để ý chuyện phong bì dẫn cưới. Họ đánh giá giá trị của nhà gái thông qua phong bì này.
Trong làng, từ xưa đến nay, những cô gái ít học sẽ chỉ có phong bì dẫn cưới khoảng 3 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên những cô gái được học đại học, cao học và có công ăn việc làm tốt thì phong bì dẫn cưới phải 10 đến 20 triệu đồng.
Cô ấy kể, năm ngoái, chú họ cô ấy gả chồng cho con. Cô con gái cũng học hành đoàng hoàng, công việc ổn định, lương cao. Tuy nhiên khi bàn chuyện dẫn cưới, chú cô ấy lại để nhà trai tùy ý. Vì thế nhà trai chỉ dẫn lễ 5 triệu. Lúc bóc phong bì, cả họ xì xào bàn tán. Sau đó, họ coi thường chú ra mặt vì cho rằng con gái chú được ăn học nhưng chắc hư hỏng nên nhà trai mới dẫn lễ bèo bọt.
Những lời nói đó, tuy không đúng sự thật nhưng miệng đời cay nghiệt khiến chú cô ấy rất buồn. Vì thế rút kinh nghiệm, đám cưới này, cô ấy không muốn bố mẹ mất mặt. Cô ấy nói, nếu bố mẹ tôi không đồng ý bỏ phong bì 20 triệu, cô ấy sẽ góp thêm tiền để cùng tôi lo phong bì. Còn nếu tôi không đồng ý, cô ấy muốn hủy hôn.
Tôi trình bày ý kiến đó với gia đình tôi, bố mẹ tôi càng nóng giận. Bố mẹ cho rằng, vợ chưa cưới của tôi đang coi thường gia đình tôi. Vì thế họ càng không thể đáp ứng đòi hỏi của thông gia. Nếu thông gia không hạ mức tiền phong bì và bạn gái tôi không đến xin lỗi thì bố mẹ tôi sẽ không tổ chức lễ cưới.
Thành ra, tôi ở giữa không biết phải làm thế nào. Mong mọi người hãy tư vấn giúp tôi.
Tác giả: Lê Hiển (Hà Nội)
Nguồn tin: Báo VietNamNet